Thương vụ M&A giữa Sacombank và SouthernBank dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2015

Thương vụ M&A giữa Sacombank và SouthernBank dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2015

M&A ngân hàng sẽ còn dậy sóng

(ĐTCK) Lộ trình thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dần thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng.

Tiếp theo MHB – BIDV, Mekongbank – MaritimeBank, thương vụ M&A giữa Sacombank và SouthernBank được dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2015, sau khi được NHNN chính thức thông qua. Đây là những thương vụ M&A có chung dáng dấp của một chủ sở hữu. Cụ thể, MHB - BIDV có chung “ông chủ” là vốn Nhà nước; Maritimebank nắm trên 10% cổ phần của Mekongbank. Còn với Southernbank – Sacombank, gia đình ông Trầm Bê đều chiếm tỷ lệ cổ phần cao nhất ở 2 nhà băng này. Ngoài các thương vụ trên, thị trường được dự báo sẽ chứng kiến thêm một vài thương vụ M&A không kém phần đình đám.

Thị trường đang chờ đợi cuộc sáp nhập giữa PGBank và Vietinbank, sau khi 2 ngân hàng này đã tổ chức lễ ký hồ sơ sáp nhập PGBank vào Vietinbank giữa tháng 5/2015. Đây là thương vụ sáp nhập sớm nhất của thị trường được công bố trong năm nay. Sau khi sáp nhập thêm PGBank, vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng từ 38.000 tỷ đồng lên 41.000 tỷ đồng.

Sau Vietinbank và PG Bank, một số thương vụ M&A còn lại có khả năng sẽ sớm được hé lộ. Trong đó, phải kể đến thương vụ M&A được thị trường đồn đoán nhiều nhất là NamA Bank - Eximbank. Đây được xem là cuộc “hôn nhân” sóng gió, nhất là khi có 2 thành viên đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ cổ phiếu tại Eximbank trên 20%, ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới giai đoạn 2015 - 20120. Hiện tại, mọi sự chú ý sẽ hướng tới ĐHCĐ bất thường của Eximbank, dự kiến diễn ra trong thời gian sắp tới.

Một cặp đôi khác cũng được đồn thổi nhiều trong thời gian qua là Saigonbank và Vietcombank. Tỷ lệ cổ phần chi phối của Vietcombank tại Saigonbank hiện nay là gần 10% (vốn điều lệ Saigonbank đang ở mức hơn 3.000 tỷ đồng). Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Saigonbank, tính đến ngày 31/03/2015, cho vay khách hàng của Saigonbank quý I/2015 giảm 0,7% xuống 11,149 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 9%, lên 213 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,08% lên 2,15%.

Về kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong quý I/2015, thu nhập lãi thuần trong kỳ của Saigonbank đạt 163 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 37%, lên mức 86 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế của Saigonbank đạt 83,5 tỷ đồng, giảm 27% so với quý I/2014. Kế hoạch năm 2015, Saigonbank chỉ dự kiến đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 78% so với thực hiện năm 2014. Saigonbank cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Thế nhưng, do kế hoạch này đã từng thất bại trong năm 2014, nên Cơ quan Giám sát NHNN đưa ra khuyến cáo, Saigonbank nên có kế hoạch cụ thể và cơ sở để tăng vốn khi đưa ra mục tiêu nói trên. Trước những khó khăn hiện nay, không phải kế hoạch nâng cao năng lực tài chính của nhà băng nào cũng có thể triển khai và thực hiện được, đặc biệt là đối với những ngân hàng quy mô còn nhỏ như Saigonbank.

Không chỉ Saigonbank mà với các ngân hàng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu kém thì đích cuối cùng vẫn là tìm kiếm đối tác để tiến hành sáp nhập. Cổ đông nhỏ, lẻ Saigonbank đang kỳ vọng sớm được sáp nhập vào Vietcombank. Thế nhưng, cổ đông chi phối lớn nhất tại Saigonbank là Thành ủy (UBND TP. HCM) vẫn chưa muốn sáp nhập vào Vietcombank.

Về cặp đôi DongA Bank và ABBank, 2 ngân hàng này khó có thể về chung một nhà khi ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, ABBank đã có lời đề nghị, nhưng DongA Bank chưa có chủ trương thực hiện M&A. DongA Bank đang có kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, trong đó có sự góp vốn của Tập đoàn Kinh Đô với 1.000 tỷ đồng.

Theo mục tiêu đề ra, NHNN sẽ triển khai quyết liệt M&A trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, lành mạnh hệ thống. Cùng với đó là các quy định chặt chẽ của Thông tư 36, buộc các NHTM sở hữu cổ phần vượt quá 5% tại các tổ chức tín dụng khác phải thoái vốn.

Hiện trên thị trường còn khoảng chục ngân hàng có vốn điều lệ từ 3.000 – 3.500 tỷ đồng. Trong đó, một số nhà băng đang nỗ lực tăng vốn như Nam A Bank, VietA Bank… Nhưng xem ra, M&A vẫn là con đường ngắn nhất để đẩy mạnh tăng trưởng quy mô, rút ngắn thời gian trong việc nâng cao năng lực tài chính. Vì thế, M&A vẫn là giải pháp được các nhà băng tính đến, nếu có thể tìm được đối tác phù hợp.           

Tin bài liên quan