M&A giúp các doanh nghiệp lớn nhanh hơn, tập trung sức mạnh tốt hơn.

M&A giúp các doanh nghiệp lớn nhanh hơn, tập trung sức mạnh tốt hơn.

M&A bất động sản: Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp Việt ngày càng chủ động với vai trò bên mua trong các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là lĩnh vực bất động sản.

Lớn cùng M&A

Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản những năm qua diễn ra sôi động.

Trước đây, các nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án; các thương vụ M&A chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các nhà phát triển dự án trong nước.

Tuy nhiên, khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, thì M&A là cách nhanh chóng để doanh nghiệp nội mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.

Theo bà Lan, những thương vụ M&A đáng chú ý gần đây có thể kể đến như Công ty cổ phần và Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower, Tập đoàn Ô tô Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, hợp tác giữa Becamex IDC và Central Retail Vietnam nhằm phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương.

Một chuyên gia trong lĩnh vực M&A cho hay, các nhà đầu tư ngoại mong muốn hợp tác với các đối tác địa phương vì đối tác địa phương hiểu thị trường, đảm bảo quỹ đất sạch. Theo đó, các giao dịch M&A mang tính chất hợp tác, nhà đầu tư Việt Nam có thể giữ lại 15 - 20%, có trường hợp giữ lại 50%.

Trong xu hướng quan tâm đến các dự án bất động sản, vài ba năm gần đây, nhiều chủ đầu tư nhìn thấy cơ hội thị trường nên tích cực tìm kiếm các thương vụ M&A. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Chủ đầu tư trong nước thông thạo vùng miền, linh hoạt về dòng vốn nên tự tin khi thực hiện M&A và phát triển sản phẩm. Chủ đầu tư địa phương lớn đang giữ vai trò dẫn dắt tại các thị trường mới, vùng ven, rồi từ đó lôi kéo các nhà đầu tư khác.

Sự vươn mình của khối nội

Từ năm 2019 đến nay, vai trò bên mua của các nhà đầu tư nội trong các thương vụ M&A tăng mạnh, từ chỗ chiếm 11,8% giá trị thương vụ năm 2018 tăng lên trên 30% giá trị thương vụ trong giai đoạn 2019 - 2020. Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… là những cái tên nổi bật trong các thương vụ M&A.

Theo bà Khanh, tính chất các thương vụ M&A đang có sự thay đổi, từ thâu tóm, thao túng chuyển dần sang hợp tác hai bên cùng có lợi. Trong đó, câu chuyện chuỗi giá trị được đề cập ngày càng nhiều. Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều hơn các tập đoàn đa ngành, có hệ sinh thái dần hoàn chỉnh dựa trên những lĩnh vực cốt lõi, có uy tín thương hiệu và kinh nghiệm thị trường sâu sắc.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup chia sẻ, Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp có tiềm năng, nền tảng phát triển tốt, có khả năng đóng góp cho NovaGroup để gia tăng về doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng về thị phần, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái cho khách hàng.

NovaGroup đang lấy Novaland làm trọng tâm của hệ sinh thái, với hơn 50 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Tập đoàn có kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp để đón sóng đầu tư từ nước ngoài. Cùng với đó, Nova Service quy tụ các thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, giải trí; Nova Consumer sản xuất và cung cấp sản phẩm tiêu dùng.

Hệ sinh thái này sẽ giúp NovaGroup có được nhiều sức mạnh hơn để vươn mình trở thành một tập đoàn đa ngành, thay vì tập trung vào lĩnh vực bất động sản như trước, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp thuộc những ngành nghề, lĩnh vực liên quan.

Về câu chuyện của các doanh nghiệp nội, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân trong sứ mệnh kiến tạo giá trị và đóng góp cho cộng đồng, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải coi M&A là giải pháp để tự mình lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh. Hoạt động M&A không chỉ là thu gom tài sản để lớn lên, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết.

Gần đây, xu hướng tích cực là hoạt động M&A diễn ra nhiều hơn giữa các doanh nghiệp Việt. Đây là giải pháp tăng sức mạnh doanh nghiệp, tạo nên các đột biến. Dự báo, giai đoạn tới sẽ có sự bùng nổ từ phía doanh nghiệp nội trong việc cấu trúc lại doanh nghiệp thông qua phương thức M&A.

Khối nội cũng có sự chuyển mình khi tham gia cả hoạt động M&A ở thị trường nước ngoài. Điều này rất quan trọng với Việt Nam nói chung. M&A tạo ra những thực thể kinh tế mạnh hơn, tạo nên khả năng cạnh tranh mạnh hơn, có thể giải quyết được các vấn đề về công nghệ, cạnh tranh.

Ông Thiên nêu quan điểm, chỉ khi tham gia vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cấu trúc chuỗi mà tốt thì mới mạnh được. Từ M&A đến chuỗi tạo ra sức mạnh cho các tập đoàn, góp phần làm tăng nội lực cho doanh nghiệp trong nước.

Đánh giá về tiềm năng thị trường M&A trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc này, ông Đặng Trọng Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp KTG Việt Nam (đơn vị hợp tác cùng Boustead Projects (doanh nghiệp FDI) triển khai dự án Khu công nghiệp Yên Phong và Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) cho hay, lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang chuyển mình nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam.

Trong đó, M&A góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp đi lên. Hoạt động này giúp cả hai bên doanh nghiệp nước ngoài và nội địa tận dụng được các lợi thế sẵn có của nhau để cùng phát triển.

Ngày 15/10/202, cơ quan Báo Đầu tư phối hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo trực tuyến “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị”.

Sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, những người có nhiều năm gắn bó với thị trường M&A Việt Nam như PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt nam; ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam; ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM); ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam; ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup…

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nội dung như diễn biến thị trường, tiềm năng, triển vọng hoạt động M&A tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19; các câu chuyện, bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, chuyên gia, những người trực tiếp tạo nên các thương vụ M&A.

Hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Fanpage Báo Đầu tư Chứng khoán.

Tin bài liên quan