Khách hàng có thể tiếp cận được với những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất từ UOB sau sáp nhập

Khách hàng có thể tiếp cận được với những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất từ UOB sau sáp nhập

M&A kỳ vọng giúp doanh thu của UOB tăng thêm 1 tỷ đô Singapore năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với bối cảnh kinh tế có triển vọng tích cực, mảng bán lẻ vẫn còn nhiều dư địa phát triển do nhu cầu tài chính tiêu dùng của 100 triệu dân, tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng còn tương đối thấp và tầng lớp trung lưu đang phát triển, Việt Nam được đánh giá hấp dẫn trong mắt các định chế quốc tế.

Sau đại dịch, làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng của các nhà đầu tư ngoại và các tập đoàn, định chế tài chính đa quốc gia mới chỉ thực sự trở lại từ năm 2021, trong đó đáng chú ý là thương vụ UOB mua lại mảng bán lẻ của Citigroup trên 4 thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam để hiểu thêm về những dự định của UOB khi đầu tư mở rộng mảng bán lẻ tại thị trường ASEAN và Việt Nam.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam

Vừa qua, UOB công bố việc mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 thị trường, trong đó có Việt Nam, chắc hẳn mục tiêu của thương vụ này không ngoài lý do đẩy mạnh mảng bán lẻ?

Đúng vậy, thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh bán lẻ của UOB tại khu vực ASEAN, bên ngoài thị trường chính là Singapore. Sau khi hoàn tất, thương vụ sẽ giúp mở rộng mạng lưới đối tác của UOB, đồng thời dự kiến tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ tại 4 thị trường lên 5,3 triệu khách hàng và kết nạp thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của Ngân hàng, đẩy nhanh mục tiêu phát triển khách hàng lên trước 5 năm.

Mảng kinh doanh được mua lại cùng với mạng lưới kinh doanh rộng khắp khu vực sẽ tạo thành một sự cộng hưởng mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đồng thời nâng cao vị thế của UOB với tư cách là một ngân hàng dẫn đầu ASEAN.

Thời điểm đầu năm 2021, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, đâu là lý do khiến UOB đưa ra quyết định mua lại? Liệu đây có phải là bước đi mạo hiểm?

Đây là một thương vụ được tính toán rất kỹ lưỡng. Phải khẳng định rằng, UOB rất tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của khu vực Đông Nam Á và rất kỷ luật, lựa chọn và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm cơ hội phù hợp để phát triển. Việc mua lại này được tài trợ bởi nguồn vốn thặng dư được trích riêng qua nhiều năm, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội phù hợp.

Khi mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam được chào bán, chúng tôi biết rằng đây là cơ hội tuyệt vời và đến đúng thời điểm, đặc biệt là khi ASEAN tái khởi động guồng máy tăng trưởng sau đại dịch.

Không riêng gì thương vụ này, chúng tôi từng mua và sáp nhập 5 ngân hàng ở Singapore và 5 ngân hàng trong khu vực trong 40 năm trước, đó là cách mà chúng tôi đi trước các đối thủ trong khu vực. Hai thập kỷ trước, các ngân hàng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường cạnh tranh. Hiện tại, những ngân hàng khu vực như UOB lại chiếm ưu thế và không có nhiều ngân hàng có được mạng lưới như chúng tôi.

Sau khi sáp nhập ngân hàng tiêu dùng của Citigroup, năng lực cạnh tranh mảng bán lẻ của UOB gia tăng như thế nào? UOB có kế hoạch gì để đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam?

Thông qua việc sáp nhập, chúng tôi có khả năng cung cấp đầy đủ bộ sản phẩm cho vay tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và các khoản vay tín chấp cá nhân, đồng thời bổ sung vào các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô hiện hữu. Nhờ đó, chúng tôi có thể đa dạng nguồn thu thông qua việc bán nhiều sản phẩm hơn.

Việc sáp nhập cũng giúp chúng tôi tăng gấp đôi dư nợ cho vay và tiền gửi cá nhân, tăng gấp ba cơ sở khách hàng cá nhân và nhân đôi số lượng nhân sự hiện tại từ 600 nhân viên lên hơn 1.200 nhân viên.

Với danh mục sản phẩm hợp nhất sau khi sáp nhập, chúng tôi sẽ thúc đẩy việc xây dựng mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ và củng cố vị trí tốp 4 ngân hàng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng của chúng tôi khi họ có thể tiếp cận được với những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, cũng như hưởng lợi từ mạng lưới hoạt động và hệ thống đối tác được mở rộng.

Để đẩy mạnh mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, UOB hướng đến việc cung cấp một bộ sản phẩm ngân hàng hoàn thiện hơn, cải tiến hơn cho khách hàng tiêu dùng từ phân khúc thu nhập trung bình đến cao và những người có giá trị tài sản ròng lớn. Để thu hút và phục vụ tệp khách hàng lớn hơn, UOB Việt Nam cũng sẽ tập trung xây dựng các năng lực kỹ thuật số như một phần của việc đầu tư vào chiến lược đa kênh nhằm đảm bảo đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu sử dụng dịch vụ ngân hàng vô cùng đa dạng của khách hàng.

Việc sáp nhập mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 thị trường trên tác động ra sao tới kết quả kinh doanh của UOB?

Thông qua thương vụ mang tính chuyển đổi này, chúng tôi đã tạo ra mức lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro (risk-adjusted returns) tốt hơn và kết thúc năm với bảng cân đối kế toán mạnh mẽ, vị thế về nguồn vốn và thanh khoản lành mạnh.

Đến hiện tại, kết quả ban đầu của thương vụ đã vượt hơn mong đợi. Hoạt động kinh doanh ổn định, chúng tôi đa dạng hóa nguồn doanh thu trên khắp các phân khúc sản phẩm và các quốc gia, đồng thời gia tăng đáng kể các cơ hội bán chéo.

Tài chính và chi phí cho việc sáp nhập đang bám sát kế hoạch. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của Tập đoàn sẽ tăng thêm 1 tỷ đô Singapore trong năm 2023.

Về nhân sự, hai đội ngũ đang hợp nhất một cách thuận lợi.

Chiến lược của Tập đoàn tại các thị trường này trong năm 2023 sẽ như thế nào?

Năm 2022, Việt Nam là điểm sáng của khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng đạt 8,02% từ mức 2,58% ở năm 2021 - là mức tăng tốt nhất kể từ năm 1997. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 22,4 tỷ USD trong năm 2022, từ mức 19,7 tỷ USD năm 2021 và cao hơn gần 10% so với kỷ lục trước đó là 20,4 tỷ USD vào năm 2019.

Năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm thách thức đối với lĩnh vực ngân hàng khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, gây áp lực duy trì thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức hiện tại. Dự kiến là tăng trưởng cho vay sẽ rất chọn lọc, do đó, tốc độ tăng trưởng cho vay có thể chậm lại, cũng như có những thách thức trong việc huy động vốn.

Đối diện với những thách thức và cơ hội trong khu vực cũng như tại Việt Nam, chiến lược phát triển của chúng tôi sẽ dựa trên 3 trụ cột: Sự kết nối, Cá nhân hóa và Tính bền vững.

- Sự kết nối: Thông qua mạng lưới rộng khắp khu vực và cách tiếp cận “một ngân hàng”, chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối bên trong ASEAN hoặc với khu vực ASEAN, mở ra những cơ hội phát triển mới trên khắp khu vực.

- Cá nhân hóa: Thông qua sự kết hợp giữa dữ liệu và những am hiểu dựa vào mối quan hệ với khách hàng, chúng tôi thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, từ đó tạo ra các giải pháp phù hợp, cũng như cung cấp các giải pháp đó theo cách thu hút họ và dự đoán tốt hơn về các mục tiêu trong cuộc sống của họ.

- Tính bền vững: Giúp các doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm và tác động tích cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy sự hòa nhập xã hội song hành cùng sự phát triển về kinh tế.

Tin bài liên quan