M&A: Một chiến lược hay nguy cơ

M&A: Một chiến lược hay nguy cơ

(ĐTCK-online) Sự suy thoái dài hạn của TTCK Việt Nam và khủng hoảng kinh tế đẩy một số DN đến bên bờ vực phá sản, khiến nhiều tài sản giá rẻ xuất hiện. Đây là cơ hội cho các thương vụ M&A hàng ngang phát triển nhanh chóng thời gian qua.

>> Kỳ 1: Bốn nhóm công ty có nguy cơ bị thâu tóm

>> Kỳ 2:  Những chiêu thức “ra đòn” của bên mua

>> Kỳ 3 và 4:  Phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm

Gần đây, Bình Thiên An (BTA) trở thành cái tên năng động bậc nhất ở thị trường M&A nội địa với các thương vụ "chinh phạt" các DN niêm yết như Vinafco, BT6, Descon... Mới đây, ông Trịnh Thanh Huy, Tổng giám đốc BTA đã chia sẻ về động cơ và hậu trường của nhiều thương vụ từ bí mật đến ồn ào. Điều này giúp các DN quan tâm đến M&A phần nào nhận thức về cơ hội cũng như nguy cơ của hoạt động thâu tóm.

Hé lộ những cuộc "chinh phạt" của BTA

Trong số các cuộc "chinh phạt" của BTA, việc chinh phục Vinafco diễn ra êm ả nhất. Tiếp quản Vinafco, BTA định hình lại cho Công ty tập trung cho ngành nghề lõi, tạm ngưng và chuyển nhượng mọi dự án bên ngoài. Tuy nhiên, sau 8 tháng, mọi việc tại Vinafco vẫn giậm chân tại chỗ. Không thể trì hoãn, BTA đã ra quyết định chuyển nhượng dự án nhà máy thép, bằng bất cứ giá nào! Kết quả, nhà máy đã đầu tư 55 tỷ đồng, được định giá 60 tỷ đồng tại thời điểm đó, được thanh lý ngay với cái giá 32 tỷ đồng! Sự quyết đoán này hóa ra mang lại may mắn khi số tiền được đầu tư kho bãi vào năm 2008. Vinafco đã mua được hệ thống kho bãi trị giá tới 100 tỷ đồng chỉ với 30 tỷ tiền mặt!

M&A: Một chiến lược hay nguy cơ ảnh 1

Ở thương vụ kế tiếp với BT6, đã có lúc BTA ở thế kẹt. Một quỹ đầu tư nắm 38% số cổ phần cương quyết không bán lại. Sau đó, khi định chế tài chính Anh nhận ra khoản đầu tư của họ đối diện với nguy cơ kẹt thanh khoản đã phải vội vã chuyển nhượng "sale-off". Qua đối tác trung gian, số cổ phiếu đi đường vòng về tay BTA. BT6 bị kiểm soát hoàn toàn vào năm 2009...

Không giữ được sự êm ả như hai thương vụ đầu tiên, BTA thâu tóm Descon tạo ra nhiều ồn ào. Thương vụ được âm thầm tiến hành từ năm 2006, đưa ra công khai trong năm 2010. Với Descon, ông Huy khẳng định, động cơ không phải là thâu tóm tài sản giá rẻ. Mối quan tâm của BTA tập trung trong lĩnh vực logistic và xây lắp. Vì vậy, BTA đã thâu tóm Vinafco, BT6, Descon và đang chung tầm nhìn với Contecons, mua cổ phần tại Gemadept, đầu tư vào Tổng công ty Đường thủy… theo một chiến lược riêng.Để tái cơ cấu công ty mục tiêu, bên cạnh việc sử dụng chất xám của các lãnh đạo cũ đan xen với nhân tố mới am hiểu ngành, BTA còn thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài định hình chiến lược hoạt động, tái cơ cấu hoạt động và tài chính, xây dựng chiến lược nhận diện thương hiệu mới... Kết quả, sau 5 năm được BTA tiếp quản, Vinafco, từ công suất khai thác kho bãi mang lại doanh thu 500.000 đồng/m2/năm thì giờ đây đã tăng lên gấp 10 lần. Khoản đầu tư 20 triệu USD ban đầu giờ có giá trị khoảng 50 triệu USD. Tương tự, tại BT6, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tăng gấp đôi sau 2 năm BTA chính thức tiếp quản công ty.

Một số con số thống kê về hoạt động M&A:

·         70% các thương vụ thất bại trong việc đạt được sự đồng thuận như mong đợi và phải quay về đầu tư tài chính đơn thuần.

·         50% các thương vụ sáp nhập có sự sụt giảm mạnh năng suất trong vòng 4-8 tháng sau khi hoàn tất.

·         47% các lãnh đạo của công ty bị thâu tóm rời bỏ DN trong năm đầu tiên và 75% trong vòng 3 năm sau đó  (hoặc bị đuổi!).

·         23% các thương vụ đạt được chỉ số hoàn vốn nội bộ (IRR) như mong muốn.

·         58% của tất cả các thương vụ sáp nhập thất bại trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông các bên liên quan.

(Nguồn: Parkwood Advisors LLC)

 

M&A: Động lực tăng trưởng mới của các "đại gia"?

Sự suy thoái dài hạn của TTCK Việt Nam và khủng hoảng kinh tế đẩy một số DN đến bên bờ vực phá sản, khiến nhiều tài sản giá rẻ xuất hiện. Đây là cơ hội cho các thương vụ M&A hàng ngang phát triển nhanh chóng thời gian qua: BTA thâu tóm một loạt các DN ngành logistic và xây lắp, Masan Consumer thâu tóm các DN ngành thực phẩm, Thủy sản Hùng Vương thâu tóm DN ngành thủy sản... Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến xu hướng thâu tóm tài sản giá rẻ như ở Fideco và một số DN địa ốc. Vậy nên nhìn nhận hoạt động M&A như một cơ hội hay mối nguy cơ?

Trong hoạt động M&A thời gian qua, đã thấy bóng dáng các NĐT chuyên nghiệp ở cương vị người mua (M&A để chuyển giao vốn và kiểm soát công ty đúng nghĩa), nhiều "đại gia" chủ động tìm đến hoạt động này theo một chiến lược định hình: hợp lực với đối tác để cùng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của bản thân, giảm chi phí gia nhập trong các lĩnh vực mới… Dù mới bắt đầu và gặp vô số các khó khăn đến từ con người, văn hóa công ty, bộ máy và hệ thống quản trị doanh nghiệp giai đoạn hậu M&A, nhưng với những người mua thể hiện tham vọng khai thác các tư liệu sản xuất tốt hơn các chủ nhân hiện hữu, chí ít hoạt động này cũng có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội.

Tuy vậy, các sắc thái đa dạng khác của hoạt động M&A thời gian qua cho thấy thị trường đang cần một khung pháp lý điều chỉnh các trường hợp DN bị thâu tóm và "xẻ thịt" vì tài sản giá rẻ, cũng như bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.