Hiện trạng Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình sau 10 năm có quy hoạch chi tiết

Hiện trạng Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình sau 10 năm có quy hoạch chi tiết

Mập mờ đường vào Khu đô thị mới Hạ Đình

Nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình vừa có đơn kiến nghị về những biểu hiện bất thường của Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội trong việc thi công xây dựng hạ tầng dự án này.

10 năm bất động 

Theo phản ánh của các hộ dân, quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hạ Đình được phê duyệt tại Quyết định số 88/2004/QĐ - UB ngày 20/5/2004 của UBND TP. Hà Nội đến nay đã chẵn 10 năm. Sau khi Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, ngày 15/10/2004, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 6779/QĐ - UBND tạm giao 74.975 m2 đất tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội để điều tra số liệu, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị lập dự án đầu tư xây dựng.

Thực tế, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, đến thời điểm này, khu đất lập dự án Khu đô thị mới Hạ Đình vẫn là một bãi đất hoang, với ngổn ngang gạch vụn và phế liệu xây dựng. Năng lực của chủ đầu tư đối với Dự án đang là câu hỏi được các hộ dân sống trong khu vực đặt ra, khi đây cũng là dự án bất động sản duy nhất của Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội mà sau 10 năm được phê duyệt quy hoạch chi tiết vẫn “án binh bất động”.

Ông Lê Quang Vinh (trú tại số 1 ngách 214/57 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết, đã 10 năm nay, ông cũng như những người dân sống trong khu vực dự án luôn trong tình cảnh bất an. Vì ở trong phần đất đã được quy hoạch, nên họ phải chấp nhận sống trong cảnh tạm bợ và sẵn sàng chuyển đến nơi ở mới để bàn giao đất cho chủ đầu tư làm dự án.

Người dân cho biết, những ngày gần đây, Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội bắt đầu tiến hành mở đường vào Dự án, nhưng oái oăm ở chỗ, công việc kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư tại dự án này lại được “khoác” chiếc áo công ích - mở đường vào trường học, khiến nhiều người bức xúc.

Được biết, theo Quyết định số 89/2004/QĐ - UBND ngày 20/5/2004 phê duyệt Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị mới Hạ Đình, Dự án có 4 đường vào gồm: tuyến đường biên phía Tây Nam là tuyến đường cấp phân khu vực đấu nối với đường Nguyễn Trãi ở phía Tây có mặt cắt ngang 30 m; tuyến đường biên phía Đông Nam là tuyến đường cấp phân khu vực đấu nối với đường Vành đai 3 ở phía Đông Bắc có mặt cắt ngang 30 m; tuyến đường biên phía Đông Bắc là tuyến đường nhánh có mặt cắt ngang 17,5 m; tuyến đường biên phía Tây Bắc là tuyến đường nhánh có mặt cắt ngang 13,5 m.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả 4 tuyến đường này vẫn chưa được thi công và Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình vẫn nằm “kẹt” giữa một vùng đồng ruộng hoang vu và các khu dân cư.

Chọn lối đi tắt?

Điều khiến nhiều người băn khoăn là, thay vì thực hiện mở đường vào Dự án theo Quyết định số 89, chủ đầu tư lại tìm cách tiếp cận Dự án theo một cách khác. Đó là thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ cuối ngõ 214 - đường Nguyễn Xiển đến cụm 3 trường học gồm: Trường Mầm non Tuổi Hoa; Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B và Trường THCS Thanh Xuân Nam.

Trong khi đó, tuyến đường này không hề được nhắc đến trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hạ Đình. Đây là vấn đề mấu chốt khiến các hộ dân không đồng thuận với phương án mở con đường này. “Cần làm rõ việc mở đường là phục vụ các cháu học sinh, vì lợi ích công cộng, hay vì lợi ích của chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình?”, bà Nguyễn Hạnh Nguyên (trú tại số 3 ngách 214/57 Nguyễn Xiển) đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đức Giang, nhà số 4, ngách 214/55 Nguyễn Xiển cho biết, việc xây dựng đường từ cuối ngõ 214 Nguyễn Xiển đến cụm 3 trường học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân chưa có quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, không có quy hoạch chi tiết, chỉ giới đường đỏ và các hồ sơ theo trình tự quy định của pháp luật. Bản vẽ quy hoạch mà chủ đầu tư cung cấp đến các hộ dân bị giải toả làm con đường này lại là bản vẽ Dự án Khu đô thị Hạ Đình đã phê duyệt từ lâu, hiện trạng sử dụng đất đã thay đổi nhiều.

“Việc Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội và UBND phường Hạ Đình sốt sắng giải toả, thu hồi đất của các hộ dân là hết sức bất thường”, ông Giang nói.

Theo bà Phan Thị Nhủ (nhà số 2B, ngách 214/57 Nguyễn Xiển), người dân không hiểu vì lý do gì mà việc thi công con đường vào 3 trường học được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, khi thì là “dự án đường vào 3 trường”, lúc là “dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ cuối ngõ 214 đường Nguyễn Xiển đến cụm 3 trường học”, có khi lại là chỉ giới thu hồi đất xây dựng Khu đô thị mới Hạ Đình...”.

“Sự sốt sắng của chủ đầu tư trong việc thu hồi đất khiến người dân nghi ngờ việc Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội lợi dụng con đường này để mở lối vào Dự án Khu đô thị mới Hạ Đình từ đường Vành đai 3 nhằm tiết kiệm cả thời gian và chi phí”, bà Nhủ nói.

Về vấn đề này, ông Ngô Tiến Hùng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân giải thích, việc mở con đường cuối ngõ 214 thực hiện theo Văn bản số 2140/UBND – TNMT của UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất của Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội xây dựng tuyến đường từ cuối ngõ 214 đường Nguyễn Xiển đến điểm nối vào cụm 3 trường học phường Thanh Xuân Nam.

Theo ông Hùng, việc UBND phường Hạ Đình viết giấy mời các hộ dân đến kê khai giải phóng mặt bằng dự án đường vào 3 trường cuối ngõ 214 là không đúng. Lý do là, đây không phải là một dự án độc lập; việc triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để mở tuyến đường thuộc thẩm quyền của UBND quận Thanh Xuân. Trước đó, quận Thanh Xuân đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân, nhưng chưa đạt kết quả.

Được biết, sáng 10/6, UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân đã huy động các lực lượng tiến hành cưỡng chế giải tỏa một số hộ dân cuối ngõ 214 Nguyễn Xiển. Tuy nhiên, việc cưỡng chế phải tạm dừng vì gặp sự phản ứng của người dân. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả vụ việc này trong những số báo sau.

Tin bài liên quan