Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“May đo” sản phẩm cho du khách Trung Đông và Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Trung Đông và Ấn Độ là những thị trường khổng lồ, đầy tiềm năng, có mức chi trả cao. Ngành kinh tế xanh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá, xúc tiến để thu hút 2 thị trường này nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Trung Đông và Ấn Độ là những thị trường rất lớn, với lượng khách ra nước ngoài du lịch tăng nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, Trung Đông gồm 17 nước, 1 vùng lãnh thổ, gần 400 triệu dân. Chẳng những nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học - công nghệ với những quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới, đây còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn.

“Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có ngày càng nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là: Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Bốn quốc gia trên đã đóng góp 68% tổng lượng khách của khu vực. Hiện khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam mới đạt khoảng vài chục ngàn lượt, do đó, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường khổng lồ này”, ông Siêu nhấn mạnh

Dân số theo đạo Hồi chiếm khoảng 1/3 tổng dân số thế giới, tập trung nhiều ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, rất gần Việt Nam. Nhưng trong khi chúng ta mới đón được lượng khách ít ỏi, thì Singapore, Malaysia, Thái Lan... đã thu hút mạnh lượng du khách từ các nước đạo Hồi, chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao.

“Nguyên nhân là do thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế và chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên”, ông Trần Đức Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Qatar chỉ rõ.

Với thị trường Ấn Độ, lượng du khách trao đổi giữa Việt Nam - Ấn Độ đã tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm 2016-2019, đạt trên 200.000 lượt trong năm 2019. Liên tiếp trong năm 2019, 2020, 2022, hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Vietnam Airlines và Vietjet Air của Việt Nam đã mở 21 đường bay trực tiếp với trên 60 chuyến/tuần kết nối các thành phố lớn của 2 nước.

“Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng hệ thống cấp thị thực điện tử cho du khách Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. Đây là những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 quốc gia”, ông Siêu nói.

Để thu hút nhóm khách du lịch từ Trung Đông và Ấn Độ, theo các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch và cơ quan chính phủ cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức các chương trình hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế quy mô lớn, mời doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông, Ấn Độ tham dự, đồng thời tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành tại các nước tham dự.

Đặc biệt, du khách đạo Hồi có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng biệt đòi hỏi dịch vụ cung cấp cũng cần được “may đo” vừa vặn. Do đó, cần thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal (cho người theo đạo Hồi), phòng cầu nguyện, sự riêng tư… Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch biết tiếng Ả rập để đáp ứng nhu cầu của du khách từ các nước theo đạo Hồi.

Còn với thị trường Ấn Độ, từ thực tế triển khai phục vụ khách du lịch Ấn Độ tại địa phương, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, bên cạnh những thuận lợi như có nhiều nét tương đồng trong văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng, nhiều nhà hàng chuẩn Ấn Độ… ngành du lịch TP.HCM còn không ít thách thức nếu muốn khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này.

Đơn cử, khách Ấn Độ thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không thích nghi được, doanh nghiệp không thể khai thác lâu dài thị trường khách này.

Nhận thức được các thách thức trên, bà Hiếu cho hay, ngành du lịch TP.HCM xác định, cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ du khách từ Ấn Độ và Trung Đông, do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Bên cạnh hạ tầng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả Rập, am hiểu văn hóa và thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ.

Tin bài liên quan