Áp lực thị trường buộc doanh nghiệp tái định vị
Trước những biến động lớn về hành vi tiêu dùng, tiêu chuẩn thị trường và yêu cầu chuyển đổi xanh, du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc chiến lược. Trong đó, phát triển theo hướng bền vững, cụ thể là “du lịch xanh” trở thành điều kiện tiên quyết để tồn tại và tăng trưởng.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn như Sun Group, Vinpearl, Fusion Group, Six Senses… hay các mô hình boutique resort (loại hình khách sạn có quy mô vừa và nhỏ) đang thiết kế lại chiến lược kinh doanh theo hướng giảm phát thải, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa và tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm, nhân lực địa phương. Đặc biệt, các dự án đang bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn xanh từ khâu thiết kế, thi công, vận hành để đủ điều kiện tiếp cận khách hàng cao cấp và gọi vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), xanh hóa không còn là lựa chọn. Nó đang định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị du lịch từ quy hoạch, đầu tư, vận hành đến tiếp thị và thu hút dòng tiền quốc tế.
Tại khu vực miền Trung, Sun Group đang triển khai chuỗi dự án nghỉ dưỡng có tiêu chí phát triển bền vững rõ nét tại Bà Nà Hills, Nam Hội An, Cát Bà, và Lào Cai với định hướng phát triển bền vững, gắn với bảo tồn cảnh quan, văn hóa và triết lý “giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ cho thế hệ sau”.
Các khu nghỉ dưỡng này đều tích hợp tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, hạn chế bê tông hóa và khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế. Đây là những yếu tố giúp người làm dịch vụ giảm chi phí vận hành dài hạn, đồng thời tạo lợi thế khi tiếp cận thị trường du lịch cao cấp tại châu Âu và Nhật Bản.
Tương tự, Vinpearl cũng đã khởi động chương trình chuyển đổi toàn diện theo hướng xanh với các sáng kiến như ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần, xây dựng hệ thống điện mặt trời tại các resort lớn và triển khai mô hình “đảo du lịch không phát thải” tại Hòn Tre (Khánh Hòa).
Ở mảng boutique cao cấp, Six Senses Côn Đảo là ví dụ điển hình, với chứng chỉ EarthCheck Platinum, cho phép dự án tiếp cận nhóm khách ESG-conscious từ châu Âu. Đây là lợi thế cạnh tranh rõ ràng mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt được.
Định vị lại vai trò nhà đầu tư
Trên bản đồ đầu tư quốc tế, các dự án không tuân thủ tiêu chí ESG đang dần bị loại khỏi danh sách giải ngân. Các quỹ đầu tư như IFC, ADB, Proparco, DEG hay GIC đều đã đưa yếu tố xanh và quản trị bền vững vào bộ tiêu chí thẩm định. Do đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam du lịch đầu tư vào hạ tầng xanh, đạt các chứng chỉ như EarthCheck, EDGE, LEED hay tiêu chuẩn ASEAN sẽ là điều kiện cần để thu hút dòng vốn dài hạn.
Theo bà Hoàng Thị Thùy Linh, Giám đốc GreenViet, doanh nghiệp nào tiên phong đầu tư xanh từ hôm nay sẽ có lợi thế rất lớn trong việc gọi vốn, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư bền vững hoặc các ngân hàng đang “siết” tỷ lệ phát thải trong danh mục đầu tư.
Đối với thị trường tiêu dùng, chứng chỉ xanh cũng giúp doanh nghiệp được các hãng lữ hành quốc tế lớn như TUI, DER Touristik, hoặc các OTA như Agoda, Expedia ưu tiên đưa vào danh sách giới thiệu.
Dù doanh nghiệp đã chủ động, nhưng để du lịch xanh phát triển thực chất và rộng khắp, cần có vai trò định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Tổng cục Du lịch cho biết đang phối hợp với các bộ ngành, xây dựng Bộ tiêu chí Du lịch xanh quốc gia, đồng thời đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi cho các dự án đạt tiêu chuẩn xanh.
Cụ thể, sẽ có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất đối với dự án đạt chứng chỉ quốc tế; hỗ trợ tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại; Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng trong du lịch; cơ chế đấu thầu dịch vụ công cộng tại điểm đến gắn với tiêu chí xanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khẳng định: “Muốn cạnh tranh quốc tế thì phải có sản phẩm du lịch chất lượng cao. Mà muốn chất lượng cao, thì phải bền vững. Đây là nguyên lý của thị trường hiện đại, chứ không phải phong trào.
Thị trường đang phân hóa rõ rệt. Doanh nghiệp đầu tư bài bản vào mô hình xanh, chuẩn vận hành quốc tế sẽ tiếp cận được nhóm khách chi trả cao, quay lại thường xuyên và tạo lan tỏa tích cực. Ngược lại, sản phẩm du lịch đại trà, kém bền vững khó trụ vững do áp lực chi phí, tài nguyên và xu hướng tiêu dùng thay đổi.
Vì vậy, câu hỏi không còn là “có nên làm du lịch xanh hay không”, mà là đầu tư bao nhiêu, theo chuẩn nào, và phối hợp với ai để hiệu quả nhất. Đây là lúc thị trường cần các tổ hợp tích hợp resort xanh, logistics sạch, đào tạo nhân lực bền vững và mô hình PPP để Nhà nước, doanh nghiệp cùng xây dựng hạ tầng xanh.