May Sông Hồng (MSH): Ứng xử linh hoạt để thích nghi trong giai đoạn thử thách

May Sông Hồng (MSH): Ứng xử linh hoạt để thích nghi trong giai đoạn thử thách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) cho thấy, trong quý vừa qua, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt gần 1.542 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Do chí phí đầu vào tăng 6%, lên mức 1.342 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 20%, lên 46,4 tỷ đồng nên dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 31% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II của Công ty đạt 100 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.

Quý II, Công ty tiếp tục ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng, nhưng chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 2.179 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 139 tỷ đồng. Kết quả này suy giảm khá lớn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào quý II cho thấy, doanh nghiệp đã hạn chế được đà suy giảm của quý I và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, bối cảnh chung của ngành dệt may hiện nay là doanh thu tăng nhưng giá các đơn hàng rất thấp, thậm chí không có lợi nhuận, chi phí nguyên phụ liệu và nhân công chiếm tỷ lệ cao.

“Tình hình hàng hóa phục hồi khá chậm, hàng tồn kho của các khách hàng nhiều nên nửa đầu năm 2024 chưa có biến chuyển tích cực, vì vậy biên lợi nhuận cuối năm có thể không khả quan”, ông Quang tiết lộ.

Với thực tế như vậy, May Sông Hồng triệt để tiết kiệm các chi phí quản lý, đặc biệt là chi phí tiền lương của khối quản lý. Quý III và những tháng cuối năm 2023, Công ty vẫn duy trì tiết kiệm chi phí để thích ứng với khó khăn.

Để duy trì sự phát triển bền vững, chuẩn bị cho thị trường hồi phục, Công ty chủ trương đa dạng hóa khách hàng, tránh tập trung vào một vài khách hàng, nâng cấp lên các sản phẩm kỹ thuật cao.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, cổ đông May Sông Hồng, Tổng giám đốc Bùi Việt Quang khẳng định, “ứng xử linh hoạt để tồn tại và thích nghi trong giai đoạn thử thách là kim chỉ nam trong hoạt động của Công ty”.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy rõ khó khăn của hoạt động xuất khẩu dệt may. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, dù tăng 6,2% so với tháng trước đó nhưng giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.

Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam - ghi nhận mức giảm 17% so với cùng kỳ. Thị trường EU giảm 10%; thị trường Hàn Quốc giảm 9,58%. Riêng thị trường Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 428 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ…

Còn tính trong 7 tháng đầu năm, duy chỉ thị trường Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, các thị trường xuất khẩu khác đều suy giảm mạnh. Thị trường Mỹ, EU và Hàn Quốc lần lượt giảm 24%, 10% và 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong tháng 7, song lũy kế 7 tháng vẫn giảm 10% so với năm 2022.

Dự báo về thị trường xuất khẩu, lãnh đạo các doanh nghiệp ngành dệt may cho biết, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hầu hết các công ty dệt may đều ước tính doanh thu trong quý III sẽ tương đương với quý II, nhưng dự kiến cải thiện trong quý IV. SSI kỳ vọng các công ty trong ngành dệt may sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong quý IV/2023.

“Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024”, báo cáo viết.

Cổ phiếu MSH của May Sông Hồng là 1 trong 2 cổ phiếu dệt may được SSI khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm, với luận điểm MSH có đơn đặt hàng FOB cao nhất trong ngành may mặc, sẽ hưởng lợi từ đà phục hồi của ngành, nhất là khi các khách hàng truyền thống của Công ty như Walmart, Columbia và Target) đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong những quý gần đây.

Thực tế, trong quý II, May Sông Hồng là công ty duy nhất trong ngành có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Với việc lợi nhuận chỉ giảm nhẹ, Công ty duy trì được biên lợi nhuận gộp cao và tiềm lực tài chính mạnh hơn so với các công ty dệt may khác có quy mô tương đương trên thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan