Cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.

Cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.

Mở nhiều tài khoản: lợi hay hại ?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến về quy chế giao dịch chứng khoán mới, trong đó nổi lên vấn đề có nên cho phép nhà đầu tư (NĐT) mở nhiều tài khoản, mua bán một loại chứng khoán trong cùng phiên giao dịch hay không?

Trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề thời sự này, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Mở TP.HCM cho biết:

 

Việc cho phép NĐT mở nhiều tài khoản giao dịch ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau là việc nên làm. Khi đó, NĐT có điều kiện để so sánh chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán khác nhau và tìm cho mình nơi có dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ thuận lợi hơn cho NĐT khi thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán sắp tới. Ví dụ trước đây NĐT giao dịch thông qua nhiều tài khoản với nhiều tên khác nhau (được ủy quyền) và khoản lỗ của tài khoản này sẽ không được hạch toán bù lỗ vào tài khoản khác thì việc cho phép đứng cùng tên NĐT sẽ thực hiện được việc bù trừ này.

 

Nhiều ý kiến lo ngại khi NĐT được mở nhiều tài khoản sẽ xảy ra hiện tượng "làm giá" cổ phiếu?

 

Mở nhiều tài khoản: lợi hay hại ?  ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận.

Việc "làm giá" cổ phiếu chỉ thực hiện được khi NĐT lớn có tiềm lực về tài chính. Thực tế hiện nay, một số NĐT vẫn có thể "làm giá" cổ phiếu thông qua việc giao dịch ở nhiều tài khoản khác nhau và nhờ người khác đứng tên. Khi cho phép NĐT cùng lúc mở nhiều tài khoản thì hiện tượng "làm giá" vẫn xảy ra, tuy nhiên sẽ hạn chế được nhiều vấn đề như các NĐT giao dịch lách luật; thuận lợi hơn cho các NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Thậm chí những NĐT muốn “làm giá” cũng phải khéo léo và ở một chừng mực nhất định, không dám lặp đi lặp lại trên các tài khoản của mình vì dễ bị cơ quan quản lý phát hiện. Điều này sẽ góp phần làm cho thị trường phát triển bền vững và ổn định hơn.

 

Tiến sĩ có quan điểm như thế nào về việc có nên cho phép NĐT mua bán cùng một chứng khoán trong một phiên?

 

Theo quan điểm của tôi thì không nên cho phép thực hiện điều này. Thường trước đây chỉ có những NĐT lớn "làm giá" CP vì có nguồn vốn mạnh. Nếu cho phép NĐT "tay phải mua, tay trái bán ra", hay nói cách khác, cho mua đợt 1 và bán đợt 2 hoặc ngược lại thì sẽ khiến cho nhiều NĐT cá nhân khác tham gia vào vòng xoáy này. Khi đó, các NĐT cá nhân càng đi vào xu hướng đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng” nên càng dễ gặp rủi ro và khiến cho thị trường nói chung càng bị bóp méo và biến động mạnh.

 

Chúng ta không thể so sánh thị trường Việt Nam với thị trường chứng khoán các nước vì các thị trường đó đã phát triển ổn định; NĐT ở đó đã có nhiều kinh nghiệm và hầu hết giao dịch của họ đều qua các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Đặc biệt giao dịch trên thị trường các nước không có biên độ nên việc “làm giá” sẽ khó hơn.

 

Vậy cơ quan quản lý cần làm thế nào để kiểm soát tốt hơn vấn đề "làm giá" trên thị trường?

 

Khối lượng giao dịch mỗi phiên ngày một lớn nên không thể kiểm tra thủ công bằng tay. Vì vậy phải nhanh chóng xây dựng chương trình phần mềm với định lượng tích lũy khối lượng giao dịch trong một khoảng thời gian nào đó như theo tuần hay tháng để chiết xuất các giao dịch khi cần thiết.

 

Cơ quan quản lý nhà nước có thể lọc ra một tài khoản hay một nhóm tài khoản có giao dịch lặp đi lặp lại nhiều lần về một mã chứng khoán. Khi đó sẽ đặt nghi vấn và kiểm tra ngay. Hoặc cơ quan quản lý khi nghi vấn về lượng giao dịch của một cổ phiếu nào đó thì sẽ chiết xuất các giao dịch có liên quan để kiểm tra. Việc kiểm soát các giao dịch phải được thực hiện kịp thời.

 

Điều này khiến NĐT hiểu rằng khi “làm giá” thì sẽ không tránh khỏi việc bị phát hiện và từ đó sẽ hạn chế được tình trạng "làm giá".  Chúng ta cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước về vấn đề phát hiện và chống giao dịch nội gián, chống việc "làm giá". Phải thực hiện các việc này càng sớm càng tốt để cho thị trường ngày càng minh bạch hơn, tạo công bằng cho tất cả NĐT khi tham gia.