Mơ về những cái tết đoàn viên…

Mơ về những cái tết đoàn viên…

(ĐTCK) Có thể cố ý phạm tội, có thể vô tình sa cơ lỡ bước, nhưng họ đều đang phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những tháng ngày sau song sắt và có chung niềm mơ ước cháy bỏng về một ngày đoàn viên, nhất là khi ở thế giới bên ngoài kia, không khí của những ngày tết sum họp đã bắt đầu rộn ràng…

1  Trong chuyến công tác mới đây đến Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), phạm nhân đầu tiên tôi gặp là Nguyễn Thị Thu Hà. Những ngày tháng tù tội không làm mất đi nét đằm thắm của người phụ nữ quê Bắc Giang này. Hà kể, năm 20 tuổi, cô bước chân vào Bưu điện Bắc Giang. Cao ráo, xinh xắn, Hà trở thành mục tiêu tấn công của nhiều chàng trai, trong đó có cả anh Kế toán trưởng của Bưu điện.

Hai người nhanh chóng nên duyên và con trai, con gái lần lượt ra đời. Đôi mắt sáng lên khi kể về những ngày này, Hà bảo, khi đó đúng là nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình. Ngày qua êm ả với người chồng lớn tuổi yêu chiều, điều kiện kinh tế khá giả, không nặng gánh gia đình hai bên.

Nhưng những đợt sóng bất động sản đã ào qua và cũng vì cơn sóng dữ ấy, chị đã có lúc lao mình qua lan can tự tử. May mà có người giúp việc kéo lại, khuyên chị nên nghĩ đến hai đứa con.

Năm ấy, năm 2004, khi đất đai bắt đầu sốt xình xịch, nhìn thấy người ta mua vào bán ra chỉ có vài ngày mà lãi tới vài triệu đồng/m2, Hà cũng muốn đầu tư chút đỉnh.

Ban đầu có mấy chị em rủ nhau cùng làm, có chỗ đất nào “ngon” thì giới thiệu cho nhau, khi cần tiền thì cho vay lẫn nhau. Vốn liếng ban đầu ít, Hà phải đi vay ngoài. Khi mới làm, Hà còn hạch toán được cả đầu ra, đầu vào. Bấy giờ, làm ăn dễ, có mảnh đất lãi cả trăm triệu đồng chỉ sau vài ngày, lãi suất chợ đen khoảng 1.500 đồng/triệu/ngày.Tính ra vẫn lãi lớn!

Nhưng chỉ được 3 năm, đến năm 2007 thì kinh tế bắt đầu suy thoái. Trước đây, mua vào chỉ một thời gian ngắn là kiếm được mối bán ra, lợi nhuận cao nên thừa sức bù đắp lãi suất đi vay. Giờ nếu không bán ra được hoặc là bán giá thấp thì không bù đắp được lãi suất phải trả, coi như lỗ.

Bám vào niềm tin rồi đất đai sẽ tăng giá trở lại, người thì sinh thêm mà đất không nở ra, Hà không chịu cắt lỗ, mà cứ ráng đi vay, vay của người mới để trả nợ lãi cho người cũ. Chỉ là lãi suất ngày một cao, có lúc 4.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày, khoản nợ ngày một phình to.

Đến lúc nợ lên tới cả chục tỷ bạc thì chủ nợ liên tục đòi, thậm chí hăm dọa. Là cán bộ Nhà nước nên Hà rất sợ vụ việc bị vỡ ra ngoài và cứ cố che đậy. Nhưng càng be càng vỡ, cứ vay lãi cao, thậm chí lãi còn quá gốc vay.

Khi người ta đến tận nhà hăm dọa đòi nợ, thì Hà biết không giấu chồng được nữa, đành phải kể thật mọi chuyện, từ việc buôn bán đất đai, vay nợ lãi đến nay không thể trả nợ được, rồi chuyện bị hăm dọa. Hai vợ chồng bàn nhau bỏ trốn vào Nam, rồi tìm đường ra nước ngoài.

Khoảng tháng 12/2009, hai vợ chồng Hà làm thủ tục để sang Đức dưới sự bảo lãnh của người chị gái. Nhưng lần đó chỉ có chồng Hà làm được visa, Hà bị từ chối vì thời hạn hộ chiếu còn lại dưới 3 tháng. Một tháng sau, Hà làm lại visa. Nhưng khi chuẩn bị bước lên máy bay thì bị bắt.

Với số tiền đã chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng, Hà bị tuyên phạt án chung thân.

Trong cuộc gặp với tôi, chị nói rất nhiều về sự hối tiếc. “Giờ nghĩ lại thấy mình thật dại, nếu vay ngân hàng thì không đến nỗi. Có đến 80% vốn liếng là đi vay chợ đen, thế nên bán hòa là lỗ, mà lãi ít thì coi như làm không công”. Vay chợ đen không ghi lãi suất, khi trả nợ thì xé giấy nợ coi như hết nợ nần. Nhưng vì vậy, khi bị bắt Hà không có giấy tờ chứng minh khoản tiền đã vay được dùng làm gì, cũng không chứng minh được khoản lãi khủng mà mình đã phải trả.

Rồi Hà lại không lập DN nên vào năm 2009, khi có gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ thì không có cơ hội vay. Rồi thì chuyện bỏ trốn, giá không bỏ trốn thì chỉ là việc vay nợ dân sự, không đến nỗi bị bắt.

Lúc bị bắt, Hà còn đang chuẩn bị lập Văn phòng công chứng tư, rồi còn dự định lập công ty… Chị bảo, đến lúc thành án rồi, có thời gian ngẫm nghĩ lại mới thấy mình “chết vì chữ tham”, điều kiện, hoàn cảnh mình như thế nếu không tham, không lao vào đất đai hoặc là biết dừng sớm thì không đến nỗi.

Ngẩn người nhìn mây trắng dửng dưng trôi ngoài song cửa nhà giam, hối tiếc cứ từng giọt từng giọt chảy tràn trong mắt của phạm nhân này. Chỉ là không có giá như…

2 Một phạm nhân khác, Nguyễn Thị Hiệp (SN 1970), đang thụ án chung thân, là một chủ nợ cho vay lãi “chuyên nghiệp”. Bà Hiệp bắt đầu bước chân vào nghề cho vay lãi từ những năm 1998 với vốn liếng khoảng 20 triệu đồng. Sau 10 năm, đã có trong tay 16 - 17 tỷ đồng.

Thời điểm đó, bà thường phải in sẵn các giấy biên nhận vay tiền. Khi ai có nhu cầu vay vốn, Hiệp cho vay, ghi tên, địa chỉ, số tiền vào giấy, khi nào khách trả tiền thì xé bỏ giấy biên nhận.

Người ta vay vốn của bà Hiệp với nhiều mục đích, nhưng chủ yếu là đáo nợ ngân hàng và bỏ vào đất đai. Đến năm 2008, khi kinh tế xấu trời thì sinh chuyện. Thông thường, đến hạn trả nợ ngân hàng, khách của bà Hiệp sẽ đến vay tiền rồi đem trả ngân hàng, tất toán khoản nợ cũ. Đồng thời, sau vài ngày ngân hàng sẽ cho vay tiếp luôn và con nợ sẽ trả cho bà. Nhưng khi đó, có vài lần ngân hàng không giải ngân luôn, mà hẹn đi hẹn lại. Thành ra, vốn của bà Hiệp bị găm ở ngân hàng, không rút ra quay vòng được.

Từ đây, bà bước vào con đường đi vay. Vay lãi thấp rồi cho vay lại với lãi cao. Từ tháng 4/2006 đến tháng 2/2008, bà Hiệp vay của 5 người, mỗi người từ 1 - 10 tỷ đồng có trả lãi, có viết giấy biên nhận.

Vay được tiền, bà Hiệp lại cho vay lại, chênh lệch 500 - 1.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Ban đầu chỉ là tạm thời chờ rút được tiền ngân hàng ra thì thôi. Nhưng tình hình không tiến triển, thêm nhiều con nợ của bà Hiệp không trả được. Đến tháng 3/2008, bà theo dõi sổ sách và nhận thấy đang bị thâm hụt 20 tỷ đồng và phải đi vay nhiều hơn để "trả nợ đậy".

Khi vay tiền, bà nói dối dùng tiền để đáo nợ ngân hàng và kinh doanh bất động sản. “Thậm chí, lúc bí tiền, tôi phải vay cả người thân, thành ra đã lừa cả người trong gia đình, tôi hối hận vô cùng", bà Hiệp tâm sự.

Nhưng khi số tiền vay nợ đã quá lớn, lại phải trả với lãi suất cao hơn, từ 5.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày, bà Hiệp mất khả năng trả nợ. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, từ tháng 3/2008 đến 12/2008, bà Hiệp đã vay nợ 69,9 tỷ đồng và 28.000 USD.

Đến ngày bị đưa ra xét xử, bà Hiệp đã khắc phục hậu quả được 23 tỷ đồng, còn lại 37,3 tỷ đồng và 28.000 USD mất khả năng trả nợ.

Ngẫm lại những gì đã qua, nữ đại gia một thời vô cùng xót xa khi vì bà mà gia cảnh ly tán. Bà nói nhiều về con cái, nhất là con gái lớn đã thành thiếu nữ nhưng thiếu mẹ ở bên. Nếu bà biết dừng lại đúng lúc, đừng để lòng tham mù quáng dẫn dắt thì cuộc đời đã không đi vào ngõ cụt. Gia đình tiêu tán, bản thân nhận án tù chung thân, hối hận vô vàn nhưng phạm nhân này không thể quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm.

"Thân tôi trong tù, làm sao mà khắc phục được hậu quả. Nhưng nếu không khắc phục được hậu quả, mức án tù chung thân của tôi sẽ mãi không thể giảm thành án tù có số. Vậy thì tôi còn mong gì đến ngày về. Tôi xác định là cả đời phải ở trong trại thôi", nữ phạm nhân xót xa.

3 70 tuổi và bản án 30 năm chực chờ, phạm nhân Nguyễn Thị Minh Kính (Từ Liêm, Hà Nội) xác định những ngày cuối cuộc đời sẽ trôi qua trong song sắt. Ngẫm lại 3 bản án đời mình, bà lão, từng là giảng viên đại học, ngậm ngùi nhận ra rằng, “muốn có sinh tồn, con người ta phải luôn vận động bằng nhiều cách, nhiều con đường, nhưng tất cả mọi cách, mọi lẽ đó phải tuân thủ theo pháp luật thì mới có sự bình yên”.

Bà Kính kể rằng, mọi sự phạm tội của bà đều do hoàn cảnh bức bách. Nhan sắc chẳng được như người ta, vợ chồng bà sớm bỏ nhau, khi đó đứa con trai út mới 8 tháng tuổi mắc bệnh u não, chạy tiền chữa khỏi u não thì lại mắc bệnh tim, tủy sống. Bà làm thêm đủ việc, nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Thậm chí, bà còn không nhớ được mình đã bao lần phải “đổi máu” (bán máu của mình để mua máu cho con). Căn nhà phải bán đi chữa chạy cho đứa con trai chưa xong, thì đến lượt cô con gái thứ hai đang học Đại học Luật năm cuối phát hiện bị viêm cầu thận.

Từng đấy thứ đã xô đẩy bà vào con đường lừa gạt để có tiền cho con. Là giảng viên một trường đại học, bà đứng ra hứa hẹn chạy điểm, nhận tiền nhưng rồi lờ đi. Lần đầu, bà bị TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt 13 năm tù giam, lần sau bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam và lần cuối cùng là bản án 30 năm.

Để cứu các con mình, bà lại gieo khổ cho bao người khác, lừa của họ bạc tỷ. 5 năm ở trại giam, bà Kính đã nhận ra mọi sự sinh tồn phải tuân thủ theo pháp luật thì mới có sự bình yên. Trong bức thư gửi cho bị hại của mình, bà lão đã viết: “Không biết bao nhiêu đêm tôi nằm đếm mưa rơi. Thấy ngoài kia, cách một bức tường giam, con ếch được kêu, con rắn được bò, mương nước được chảy. Thế mới thấy, hai chữ tự do giá trị biết nhường nào...”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan