Mới chỉ "thức giấc", thị trường trái phiếu đã đạt quy mô 43 tỷ USD

(ĐTCK) "Chính các nhà đầu tư đã làm nên thị trường trái phiếu". Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã phát biểu như vậy tại Lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động của thị trường trái phiếu chính phủ.
Mới chỉ "thức giấc", thị trường trái phiếu đã đạt quy mô 43 tỷ USD

Cũng theo Thứ trưởng Hà, vị thế của thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, đã góp phần làm thay đổi cơ cấu nợ của thị trường, trong đó có mối quan hệ giữa thị trường vốn cổ phần và thị trường nợ. Thi trường nợ lại có mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu và tín dụng ngân hàng.

Với quy mô dự kiến cuối năm nay khoảng 43 tỷ USD, thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam có quy mô gần bằng thị trường vốn (trên 50 tỷ USD). Sự phát triển vượt bậc về quy mô và thanh khoản của thị trường trái phiếu (năm 2009, quy mô 17 tỷ USD, năm 2014 dự kiến 43 tỷ USD) khiến Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam châu Á.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư đã làm nên thị trường trái phiếu, thì cũng chính cơ cấu nhà đầu tư đang được coi là điểm hạn chế lớn nhất của thị trường trái phiếu Việt Nam.

Khác với giai đoạn trước, vốn ngoại vắng bóng trên thị trường trái phiếu, từ năm 2011 trở lại đây, nhà đầu tư ngoại mua trái phiếu khá nhiều. Thông tin từ Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, hiện nhà đầu tư ngoại có tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp ổn định từ 20 - 30%, giá trị trúng thầu và mức độ tham gia đấu thầu trên thị trường sơ cấp là 12%, cho thấy, nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường trái phiếu "nhiệt tình" tương đương với thị trường cổ phiếu.

Trong khi đó, cũng theo thống kê, khối ngân hàng thương mại đóng vai trò chính trên thị trường trái phiếu, với tỷ lệ nắm giữ khoảng 86% thị trường. Như vậy, ngoài khối ngân hàng thương mại và nhà đầu tư nước ngoài, các thành viên khác như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... hiện tham gia thị trường trái phiếu quá ít.

Cùng với đó, kỳ hạn của thị trường chưa đa dạng, chủ yếu dưới 5 năm. Thực tế này, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, phần nào ảnh hưởng đến tính bền vững và phát triển hiệu quả của thị trường trái phiếu.

5 năm hoạt động của thị trường trái phiếu chuyên biệt, trên 650.000 tỷ đồng đã được huy động cho Ngân sách Nhà nước với chi phí giảm dần, góp phần không nhỏ cải thiện bức tranh nợ công. Nếu so với các mục tiêu đặt ra trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 mà Bộ Tài chính ban hành, có thể thấy, mục tiêu về quy mô (năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu khoảng 38% GDP) có lẽ sẽ sớm đạt được nhất.

Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về chất lượng thị trường, đặc biệt là khả năng tạo dựng nền tảng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, còn rất nhiều việc phải làm.

Trước mắt, Bộ Tài chính cho biết, sẽ sớm hình thành công ty định mức tín nhiệm và nhà tạo lập thị trường trái phiếu. Hy vọng những nỗ lực chính sách sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển theo chiều sâu, đa dạng hóa nhà đầu tư tham gia, để không quá lệ thuộc vào hai chủ thế chính là khối ngoại và hệ thống ngân hàng thương mại. 

Tin bài liên quan