Người làm môi giới bất động sản lao đao vì dịch. Ảnh: Việt Dũng

Người làm môi giới bất động sản lao đao vì dịch. Ảnh: Việt Dũng

Môi giới địa ốc xoay xở để trụ lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ mức thu nhập bình quân vài chục triệu đồng mỗi tháng, nay giảm xuống chỉ còn vài triệu đồng do ảnh hưởng dịch, nên nhiều môi giới địa ốc phải tìm mọi cách để thích ứng, trụ lại với nghề.

Chị N.T Nhàn vốn là chuyên viên kinh doanh giỏi của một công ty môi giới bất động sản tại TP. Thủ Đức với thu nhập bình quân trước đây lên tới vài trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thu nhập giảm dần, đặc biệt kể từ khi làn sóng Covid thứ tư bùng phát, chị phải ở nhà gần 4 tháng qua do công ty tạm thời đóng cửa, trợ cấp cho các nhân viên với mức 2 triệu đồng/tháng.

“Với mức lương đó thì làm sao đủ chi tiêu dù tằn tiện đến mấy, nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người khác khi không bị nhiễm bệnh, ở nhà mà vẫn có khách hàng hỏi thăm dự án và trao đổi qua lại, thậm chí có khách thương gửi quà chúc bình an mùa dịch. Đó là điều khiến tôi ấm lòng những ngày này khi không thể đi đâu, cũng chẳng thể bán hàng”, chị Nhàn tâm sự và cho biết rất kỳ vọng cuối tháng 9 này thị trường dần mở cửa để đi làm trở lại, vì còn nhiều mối quan hệ không phải nói bỏ việc là bỏ được ngay.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong thời điểm hiện nay, khi các chủ đầu tư hạn chế ra hàng, công ty môi giới hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, đa phần người làm môi giới đều lao đao, song cũng có người lanh lẹ, tìm cách xoay xở để thích nghi.

Anh N.Q.Long, chuyên môi giới bất động sản tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, tuy không thể ra ngoài vì giãn cách xã hội, nhưng anh cùng với 2 đồng nghiệp vẫn tổ chức các buổi “talkshow online” để chia sẻ, trao đổi với nhà đầu tư về những dự án mà nhóm anh đang phân phối nên vẫn có thu nhập, dù không nhiều.

“Mọi người cứ nói môi giới bất động sản thời điểm này chỉ ăn mì tôm cả tháng thì hơi quá, vì chúng tôi có cách để bán được hàng, nhất là thị trường tỉnh lẻ vẫn bán cầm chừng được, chỉ cần sản phẩm có pháp lý đầy đủ là ổn. Tháng trước, tôi đăng bán miếng đất trên Zalo, chụp hình sổ hồng, pháp lý rõ ràng, có giá chiết khấu cao, ngay lập tức có khách hàng vào hỏi mua, thậm chí nhiều người chuyển khoản đặt cọc trước, đợi hết dịch xuống tận nơi hoàn tất giao dịch”, anh Long kể.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp chuyên môi giới bất động sản tỉnh lẻ, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Đức Linh Real cho rằng, giãn cách xã hội là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch lây lan rộng. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, bao gồm cả môi giới bất động sản, nên việc thay đổi để thích nghi là bắt buộc.

“Hàng ngày, các nhân viên vẫn làm việc online, đăng thông tin các dự án mình đang theo và tìm cách kết nối, hỗ trợ khách hàng. Những nhân viên lâu năm họ thành lập các group giữa chủ nhà và khách hàng, tư vấn trực tuyến và tận dụng nguồn khách quen để bán hàng. Trong khi đó, các nhân viên ít kinh nghiệm sẽ khó tiếp cận khách hàng hơn và bán online một số mặt hàng thiết yếu là cách để có thêm thu nhập mùa dịch, bên cạnh khoản hỗ trợ của Công ty”, bà Linh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding chia sẻ, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay thì chưa thể khẳng định được thời điểm hết giãn cách xã hội và có thể trực tiếp bán sản phẩm theo cách truyền thống. Vì vậy, thay vì chờ tới khi hết dịch, hãy tập trung chuyển đổi kinh doanh ngay bây giờ.

“Có thể đây là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng là cơ hội để môi giới nhìn nhận đúng bản chất của nghề, hiểu được sự khốc liệt của thị trường để biết cách thay đổi, tận dụng cơ hội, trau dồi thêm kiến thức và tiến tới một cấp độ cao hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường sàng lọc gay gắt, những chủ đầu tư, người có nhu cầu mua bán nhà đất sẽ đánh giá cao các sàn giao dịch bất động sản hoạt động lâu năm, có tiềm lực kinh tế và khả năng bám trụ tốt với thị trường”, ông Hậu nói.

Tin bài liên quan