Tăng trưởng dự kiến yếu hơn ở châu Âu và Mỹ, cùng với lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc được xem là những yếu tố bất lợi làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ảnh: Investing

Tăng trưởng dự kiến yếu hơn ở châu Âu và Mỹ, cùng với lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc được xem là những yếu tố bất lợi làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ảnh: Investing

Một loạt yếu tố bất lợi làm gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng dự kiến yếu hơn ở châu Âu và Mỹ, cùng với lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc được xem là những yếu tố bất lợi làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lạm phát gia tăng và xung đột tại Ukraine.

Dữ liệu công bố ngày 29/4 cho thấy, cuộc xung đột tại Ukraine đang gây áp lực lên nền kinh tế châu Âu, đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao, làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung cho các nhà sản xuất, đồng thời làm xói mòn niềm tin kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.

Thông tin không mấy tích cực đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy GDP 3 tháng đầu năm của nước này giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là quý tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020. Trong khi đó những lo ngại ngày càng tăng về tác động của các biện pháp hạn chế do Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến đồng nhân dân tệ mất giá kỷ lục 4,2% trong tháng này.

Theo chuyên gia Rolf Buerkl của Đức, thế giới đang ở trong một trạng thái rất tồi tệ: “Triển vọng kinh tế đã giảm đáng kể trong tháng 4. Điều này có nghĩa là nguy cơ suy thoái ngày càng hiển hiện và trên hết là lạm phát đình trệ, tức là sự kết hợp của nền kinh tế đình trệ, không tăng trưởng với tỷ lệ lạm phát cao.

Tất nhiên, đây là một diễn biến rất bất lợi, đặc biệt là đối với người tiêu dùng, vì một triển vọng như vậy rất khó để các ngân hàng trung ương có thể ứng phó”.

Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua, cuộc xung đột tại Ukraine một lần nữa “phủ bóng” nền kinh tế. Các chuyên gia lo ngại, các lệnh trừng phạt gia tăng của phương Tây đối với Nga có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp và đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, gây tổn hại đến thu nhập của các hộ gia đình và tiếp tục xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nga hồi tuần này đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria và giới chuyên gia kinh tế cảnh báo châu Âu có thể bị đẩy vào suy thoái nếu Nga tiếp tục siết nguồn cung khí đốt, cùng với những hậu quả mang quy mô toàn cầu. Vì vậy, theo Quỹ tiền tệ quốc tế, hợp tác quốc tế vẫn là yếu tố cần thiết trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu đang gia tăng vì xung đột có hại cho sự phát triển.

Chuyên gia Steven Barnet thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá: “Bài học kinh nghiệm chính là hợp tác đa phương vẫn là điều cần thiết. Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Về cơ bản, nó đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, sau đó là đại dịch Covid-19 tấn công, gây ra cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái gần 100 năm trước. Và ngay khi tác động của đại dịch bắt đầu giảm bớt, thì chúng ta lại phải đối mặt với cú sốc do cuộc xung đột tại Ukraine, khiến giá lương thực và năng lượng cao hơn, tăng trưởng thấp hơn và nhiều bất ổn về kinh tế hơn”.

Quỹ tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay xuống 3,6%, thấp hơn 0,8% so với dự báo hồi tháng 1. Cũng giống như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, các giải pháp tiền tệ đã nhanh chóng giúp hoạt động kinh tế được phục hồi, nhưng liên tiếp những cơn gió ngược, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cán cân cung cầu vẫn chưa trở về trạng thái cân bằng cần thiết và đà phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu lại một lần nữa bị thử thách.

Tin bài liên quan