Một năm đầy biến động với các tỷ phú thế giới

Một năm đầy biến động với các tỷ phú thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp thứ tự phân hạng luôn biến động, bảng Top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes vẫn chỉ dành cho một số ít cá nhân quen mặt. Trong thập kỷ qua, chỉ có 19 tỷ phú lọt vào danh sách này.

Căn cứ vào dữ liệu hàng năm từ Forbes, tổng tài sản bình quân của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng đáng kể trong 10 năm qua. Nếu năm 2013, con số này là 39 tỷ USD, thì năm 2022, tài sản trung bình của nhóm này đã tăng vọt lên 115 tỷ USD.

Theo đó, người đầu tiên có tài sản vượt ngưỡng 100 tỷ USD là tỷ phú Jeff Bezos vào năm 2018 và giành vị trí dẫn đầu từ Bill Gates. Hiện tại, 8 tỷ phú trong top 10 có tài sản trên 100 tỷ USD.

Bernard Arnault

Năm nay ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của tỷ phú người Pháp Bernard Arnault và gia đình khi lần lượt vượt qua 2 tỷ phú công nghệ của Mỹ là Jeff Bezos và Elon Musk để lên vị trí người giàu nhất thế giới. Ông đã giữ vững “phong độ” ở vị trí Top 3 trong 2 năm liên tiếp 2020 (76 tỷ USD) và 2021 (150 tỷ USD). Sang năm 2022, bất chấp hàng loạt tỷ phú khác mất mát lớn, tài sản của ông vua hàng hiệu và gia đình lại tăng thêm hơn 32 tỷ USD, vươn lên vị trí người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng lên đến 182,5 tỷ USD tính đến ngày 29/12/2022 theo Real-Time Billionaires (theo dõi tài sản của các tỷ phú theo thời gian thực).

Bernard Arnault là Chủ tịch LVMH - tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, hiện sở hữu 70 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Sephora, Givenchy, Hublot…

LVMH hiện có giá trị thị trường khoảng 347 tỷ EUR. Trong năm qua, mặc dù kinh tế thế giới gặp khó khăn, nhưng các mặt hàng xa xỉ của LVHM vẫn bán rất chạy, thậm chí giá bán của một số thương hiệu còn tăng.

Ông Bernard Arnault từng trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới một lần hồi tháng 5/2021, với khối tài sản ròng 186,3 tỷ USD, đẩy Jeff Bezos xuống vị trí thứ 2 với cách biệt tài sản chỉ 300 triệu USD. Trong những tháng cuối năm 2022, ông và vị CEO Tesla - Elon Musk luôn tranh giành với nhau vị trí số 1, nhưng càng đến cuối năm, khoảng cách giữa hai vị tỷ phú này càng cách xa và ông Bernard đã đứng chắc ở vị trí đầu bảng.

Elon Musk

Sau 4 năm Jeff Bezos đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, bước sang năm 2022, Elon Musk đã vượt qua và dẫn đầu trong nhiều tháng. Tuy nhiên, đà lao dốc của cổ phiếu Tesla trong nửa cuối năm đã khiến tài sản của vị tỷ phú này bốc hơi hơn 100 tỷ USD, để mất ngôi số 1 vào tay ông vua hàng hiệu người Pháp. Elon Musk hiện sở hữu khối tài sản 145,7 tỷ USD (tính tới ngày 28/12/2022 theo Real-Time Billionaires của Forbes).

Vị tỷ phú này đang điều hành đồng thời công ty tên lửa SpaceX, công ty xe điện Tesla, công ty khởi nghiệp về chip não Neuralink, công ty đào đường hầm Boring Company và vừa tiếp quản Twitter.

Tài sản của Musk đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11/2021, khi nắm giữ 320 tỷ USD. Gần đây, ông đã bán khoảng 4 tỷ USD cổ phiếu Tesla để bơm vốn cho thương vụ thâu tóm Twitter trị giá 44 tỷ USD. Vào đầu năm 2022, ông đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 15,4 tỷ USD khi thỏa thuận với mạng xã hội này được công bố.

Gautam Adani

Tỷ phú người Ấn Độ là cái tên hiếm hoi không phải người Mỹ góp mặt trong Top 10 tỷ phú giàu nhất năm 2022. Những tháng cuối năm, ông Gautam Adani vươn lên mạnh mẽ và tính đến ngày 29/11/2022, ông giữ vững vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng với giá trị tài sản ròng đạt 128,4 tỷ USD. Ông Adani cũng là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2022 với 55,1 tỷ USD, theo Tạp chí Forbes.

Trước đó, năm 2021, giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Adani cũng tăng hơn 52 tỷ USD, chỉ đứng sau Elon Musk trong danh sách những tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất. Giá cổ phiếu Adani Enterprises đã tăng 57% trong năm 2022 khi công ty tiếp tục mở rộng quy mô. Ngoài ra, Tập đoàn Adani đã trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của Ấn Độ vào tháng 5/2022 sau khi mua lại chi nhánh Ấn Độ của công ty xi măng Thụy Sĩ Holcim.

Vào đầu tháng 12/2022, Tập đoàn Adani trở thành cổ đông lớn của một trong những mạng truyền hình lớn nhất Ấn Độ, New Delhi Television Ltd., tăng thêm thị phần của mình trong ngành truyền thông Ấn Độ.

Warren Buffett

Được mệnh danh là “Nhà tiên tri xứ Omaha” và là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, Warren Buffett đã chứng tỏ “gừng càng già càng cay” trong một năm thị trường tài chính, chứng khoán thế giới nhiều biến động.

Trong khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới cố gắng điều chỉnh danh mục nhằm đối phó với những đợt tăng lãi suất khủng của các ngân hàng trung ương, Buffett lại thực hiện nhiều thương vụ thành công, giúp cổ phiếu của Tập đoàn Berkshire Hathaway tăng giá trong năm 2022, dù chỉ số S&P 500 giảm hơn 15%.

Thứ hạng của nhà siêu đầu tư này đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2021, với khối tài sản 107,6 tỷ USD, nhỉnh hơn 100 triệu USD so với ông chủ Amazon.

Warren Buffett đang điều hành Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư sở hữu hơn 60 công ty, trong đó có Geico, Duracell, Dairy Queen. Ông đã hứa sẽ cho đi 99% tài sản của mình. Cho đến nay, ông đã trao hơn 49 tỷ USD, chủ yếu cho Quỹ Gates và quỹ của các con ông.

Jeff Bezos

Jeff Bezos thành lập gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon vào năm 1994 trong gara của mình ở Seattle, Washington, Mỹ. Ông từ chức CEO để trở thành Chủ tịch điều hành vào tháng 7/2021. Jeff Bezos liên tiếp đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới từ năm 2018 đến năm 2021.

Sang năm 2022, ông bị truất ngôi rồi lần lượt để thêm các tỷ phú khác vượt qua, tụt xuống vị trí thứ 5 với khối tài sản 107,5 tỷ USD. Không chỉ là ông chủ của Tập đoàn Amazon, Jeff Bezos hiện sở hữu tờ báo Washington Post cùng công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.

Trong năm 2022, tình hình kinh doanh của Amazon gặp nhiều khó khăn sau khi đã thực hiện “bành trướng” mạnh mẽ trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19. Tính riêng quý III/2022, Amazon đã lỗ tới 3 tỷ USD. Công ty này đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 20.000 nhân sự, cũng là đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay của Công ty.

Đồng thời, cũng đang thu hẹp các hoạt động kinh doanh để tập trung duy trì các dịch vụ cốt lõi của mình. Những tháng gần đây, Amazon đã đóng cửa dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, ngừng sản xuất máy chiếu gọi điện video cho trẻ em, đóng cửa gần như tất cả các trung tâm chăm sóc khách hàng tại Mỹ, loại bỏ robot giao hàng lưu động…

Trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới năm nay còn có Bill Gate (Mỹ, 103,8 tỷ USD), Larry Ellison (Mỹ, 102 tỷ USD), Mukesh Ambani (Ấn Độ, 89,3 tỷ USD) và Carlos Slim Helu và gia đình (Mexico, 82,2 tỷ USD).

Năm mất mát của các tỷ phú công nghệ

Mất mát nhất trong năm qua là các tỷ phú công nghệ khi trả lại gần như hết những gì đã có sau 2 năm bùng nổ trước đó.

Ngôi vương không ai mong muốn năm 2022 thuộc về Elon Musk với khối tài sản bị bốc hơi lên tới hơn 100 tỷ USD khi giá cổ phiếu hãng xe điện Tesla giảm gần 70%.

Tiếp đến là tỷ phú Jeff Bezos cũng đã mất 84,1 tỷ USD trong năm 2022 do giá cổ phiếu Amazon giảm gần 50% giá trị.

Mark Zuckerberg là tỷ phú bị mất tiền nhiều thứ ba thế giới, khi tài sản của ông chủ Facebook sụt giảm xuống mức 80,7 tỷ USD. Kể từ thời điểm đổi tên công ty thành Meta và thể hiện tham vọng xây dựng vũ trụ ảo metaverse, thay vì chỉ tập trung vào mạng xã hội như trước đây, giá cổ phiếu của Facebook đã liên tục sụt giảm, thổi bay phần lớn khối tài sản khổng lồ của Mark Zuckerberg.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của Meta đạt 252,43 tỷ USD, chỉ bằng 30% giá trị của công ty vào thời điểm cuối năm 2021. Có thời điểm, tài sản của Mark Zuckerberg đã sụt giảm 11,2 tỷ USD chỉ sau một ngày.

Hiện Mark Zuckerberg đang sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 44 tỷ USD, xếp thứ 26 trong số các tỷ phú giàu nhất thế giới. Trước đó, vào năm 2021, Mark Zuckerberg vẫn xếp thứ 6 trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Larry Page và Serge Brin, hai nhà đồng sáng lập Google là 2 tỷ phú tiếp theo trong bản danh sách khi mất số tiền lần lượt là 44,6 tỷ USD và 43,4 tỷ USD trong năm 2022. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của

Alphabet, công ty mẹ của Google thấp hơn kỳ vọng với doanh thu quảng cáo trong kỳ của Google giảm gần 2 tỷ USD so với quý trước và lợi nhuận giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 13,9 tỷ USD khiến giá cổ phiếu của đại gia công nghệ lao dốc.

Nhìn chung, tài sản của 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới đã bốc hơi gần 500 tỷ USD trong năm 2022 bởi những lý do như giá trị cổ phiếu lao dốc, tình hình kinh doanh không khả quan, chịu ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao…

Tin bài liên quan