Giá cổ phiếu gần đây phản ứng nhẹ với tin xấu

Giá cổ phiếu gần đây phản ứng nhẹ với tin xấu

Một số nhóm cổ phiếu có dấu hiệu tạo đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đợt bán tháo, thị trường chứng khoán bắt đầu phân hoá mạnh, một số nhóm cổ phiếu có dấu hiệu tạo đáy trước thị trường chung.

Mô hình hai đáy xuất hiện

Trong khi đồ thị chỉ số VN-Index và VN30 vẫn thể hiện xu hướng giảm, chưa hình thành được mô hình hai đáy hướng lên, nhưng một số nhóm cổ phiếu như dầu khí, xây dựng và không ít cổ phiếu đơn lẻ thuộc nhiều ngành khác có dấu hiệu tạo đáy trước thị trường chung và bật tăng trở lại trong những phiên gần đây.

Cụ thể, trong nhóm dầu khí, cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã tạo đáy ngày 25/4/2022 với giá 21.500 đồng/cổ phiếu, sau đó bật lên và tạo thành mô hình hai đáy. Tính tới ngày 19/5, cổ phiếu này đạt mức giá 28.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 31,6% so với ngày 25/4.

Trong cùng khoảng thời gian, mã BSR của Công ty cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn tăng 15,1%, mã PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tăng 11,1%, mã OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP tăng 10,5%.

Tương tự, tính đến ngày 19/5, mã HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình tăng 15,5%, mã D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 tăng 13,7% so với ngày 25/4.

Dấu hiệu tạo đáy cũng xuất hiện ở mã SSI của Công ty Chứng khoán SSI, mã NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, mã VHM của Công ty cổ phần Vinhomes...

Thực tế cho thấy, mô hình hai đáy xuất hiện ngày một nhiều trên sàn chứng khoán, với đáy đầu tiên là ngày 25/4 và đáy thứ hai từ ngày 9 - 12/5.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index và VN30 xuất hiện chỉ báo RSI phân kỳ dương. Trong đó, giá có xu hướng giảm, nhưng RSI có xu hướng tăng, với đáy sau cao hơn đáy trước.

Xét về mặt kỹ thuật, thị trường đang cho thấy nhiều nhóm cổ phiếu tạo đáy trước thị trường chung, kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Giá cổ phiếu thường đi trước tin tức

Trong đợt giảm điểm vừa qua, không ít cổ phiếu mất 40 - 50% giá trị, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy từ giao dịch ký quỹ (margin) có mức thua lỗ nhiều hơn. Sự mất mát trên tài khoản chứng khoán khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan, nhất là khi trải qua các “lệnh gọi” (bổ sung ký quỹ - call margin), làm tăng lượng cung và ảnh hưởng đến sức cầu.

Thị trường chứng khoán được coi là thị trường của tương lai, của kỳ vọng, nên giá cổ phiếu thường có xu hướng biến động trước các thông tin dự kiến sẽ được công bố. Giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua phản ánh các thông tin tiêu cực như các hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán, tín dụng bất động sản bị siết, lạm phát toàn cầu gia tăng, nhiều ngân hàng trung ương thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kinh tế thế giới suy giảm...

Cổ phiếu gần đây phản ứng nhẹ với tin xấu, không giống như cách đây khoảng 1 tháng, tin xấu dẫn tới giá giảm sâu.

Chính vì vậy, không như lo ngại các thông tin tiêu cực xuất hiện khiến thị trường tiếp tục sụt giảm, không ít nhóm cổ phiếu và cổ phiếu riêng lẻ đã tạo được mô hình hai đáy, đáy sau cao hơn đáy trước. Nghĩa là, cổ phiếu gần đây phản ứng nhẹ với tin xấu, không giống như cách đây khoảng 1 tháng, tin xấu dẫn tới giá giảm sâu.

Ngoài kỳ vọng giá đã phản ánh các thông tin xấu, nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ tạo nền tảng để thị trường chứng khoán tích lũy đi lên.

Trong khi đó, một yếu tố hỗ trợ thanh khoản và niềm tin cho thị trường là động thái đăng ký mua cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan dần xuất hiện nhiều hơn.

Chẳng hạn, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 12,83% lên 14,2% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/5 đến 21/6.

Ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá chất Đức Giang (DGC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ ngày 18/5 đến 16/6 để nâng sở hữu từ 2,92% lên 3,5% vốn điều lệ.

Bà Bùi Hồng Hạnh, vợ ông Phạm Thứ Triệu, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (DBT) đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu từ ngày 17/5 đến 16/6 để nâng sở hữu từ 0% lên 10,56% vốn điều lệ.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu từ ngày 25/4 đến 24/5 để nâng sở hữu từ 22,58% lên 23,75% vốn điều lệ.

Tin bài liên quan