Một thoáng Việt Nam ở Ishikawa

Một thoáng Việt Nam ở Ishikawa

(ĐTCK)Cảm nhận khác về Nhật Bản, một Nhật Bản "sống chậm" giữa nhịp điệu hối hả, vũ bão của khoa học, công nghệ... 

Trong suy nghĩ của nhiều người, đi Nhật Bản là đến những siêu đô thị như Tokyo , Osaka , Kyoto , Yokohama , hay Nagoya … Nhưng trên đất nước mặt trời mọc này, vẫn còn không ít vùng đất khác có mối liên hệ rất gần gũi với Việt Nam . Ishikawa (Thạch Xuyên) - một tỉnh ven biển miền Trung Nhật Bản là một cái tên như thế.

 

Một thoáng Việt Nam ở Ishikawa ảnh 1

Phố cổ ở Thành phố Kanazawa

 

1. Đúng với nghĩa là “xuyên đá”, đoàn tàu cao tốc Thunder Bird từ Kyoto đến Ishikawa liên tục lao qua những đường hầm xuyên núi dài hun hút. Bóng tối ập đến rất nhanh trong tiếng ù ù của đoàn tàu, rồi đột ngột mở ra trước mắt những cánh rừng phong hai sắc vàng, đỏ.

Mới là cuối tháng 11, chớm đầu Đông, nhưng ở Ishikawa trời rất rét. Tầm năm giờ chiều, cảnh vật hai bên đường đã nhòa đi trong sắc tím sậm, làm nổi bật những vạt hồng trụi lá, rặt quả chín mầu đỏ ối, mọc hoang bên những thửa ruộng mới gặt.

Trái ngược với cảm giác tù túng, chật chội, bị vây kín bởi bê tông, sắt thép tại các thành phố lớn khác trên đảo Honshu , Ishikawa có một sự khoáng đạt hiếm thấy. Đi dọc Ishikawa trên tuyến đường cao tốc nối Thành phố Komatsu tới thủ phủ Kanazawa , biển tung bọt trắng thoắt ẩn, thoắt hiện sau những khoảnh rừng và những cánh đồng lúa rộng bát ngát. Có cảm giác, Ishikawa là tổ hợp hài hòa cảnh vật giữa một tỉnh duyên hải Bắc Bộ và một địa phương cận Tây Bắc Việt Nam .

Rộng hơn 4.000 km2, dân số chưa đầy 1,2 triệu người, Ishikawa như là một “oasis” (ốc đảo nhỏ) giữa Honshu đất chật, người đông. Mặc dầu vậy, trong sự khoáng đạt mênh mông ấy, cảnh vật vẫn hiện diện một sự sắp đặt chỉn chu, gọn gàng như trong những khu vườn bonsai Nhật.

Ngoại trừ Kanagawa, thủ phủ của tỉnh, cũng là một trong mười thành phố du lịch hàng đầu Nhật Bản, ở các thành phố, thị tứ còn lại nhịp sống diễn ra khá chậm rãi. Không có nhiều nhà cao tầng, không có các metro - nơi những bước chân guồng nhanh đến chóng mặt để kịp các chuyến tàu làm việc. Ở Nomi, hay Komatsu, ngay trên nhiều tuyến phố chính vẫn có nhiều ngôi nhà gỗ hai tầng đặc trưng Nhật Bản, với thửa ruộng trồng cải xanh mượt cạnh nhà.

Với nhiều thanh niên Nhật Bản, các tòa cao ốc, ánh đèn neon và nhịp sống gấp gáp chốn đô thị giờ không còn hấp dẫn nữa. Họ đang tìm về các vùng nông thôn như Ishikawa để tận hưởng cuộc sống chậm hơn. Tại các trường bách nghệ ở Ishikawa, có không ít thanh niên đang theo học các lớp ngắn hạn về nông nghiệp và làm vườn, dù có trong tay bằng kỹ sư công nghệ. Một sự đảo chiều ngoạn mục, khi cách đây hơn chục năm, thanh niên ở các vùng quê vẫn còn lũ lượt kéo nhau ra chốn đô thị lớn tìm việc làm.

Còn khá xa lạ với nhiều người Việt, tất cả thông tin về Ishikawa trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phiên bản tiếng Việt chỉ có chưa đầy 500 chữ với thông tin đáng chú ý duy nhất: đây là nơi đặt đại bản doanh của hãng sản xuất máy thi công lớn vào bậc nhất thế giới - Komatsu.  Ấy vậy mà, trong buổi tiếp đoàn thanh niên Việt Nam đi tu nghiệp về đào tại nghề do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, ông  Shiji Waada, thị trưởng Thành phố Komatsu lại khẳng định: hãy đi và cảm nhận - Ishikawa gần gũi với Việt Nam hơn các bạn tưởng rất nhiều.

 

2. Bà Ayako Yoshida, 75 tuổi, sống ở Thành phố Nomi là một trong những thành viên tích cực nhất của Hội Hữu nghị Việt - Nhật của tỉnh Ishikawa. Như nhiều cụ bà khác ở Nhật Bản, bà Yoshida là người đã từng làm những con búp bê giấy, vải, chim hạc giấy và những chiếc huy hiệu mang dòng chữ “Hòa bình cho Việt Nam”, đem bán lấy tiền ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau chiến tranh Việt Nam, dù mới đến TP. Hồ Chí Minh một lần duy nhất, nhưng mối liên hệ giữa bà với mảnh đất hình chữ S xa xôi vẫn hết sức bền chặt.

Bà Konami Ayda, Chủ tịch Hội Giao lưu quốc tế Nhật Bản ở Komatsu cho tôi biết, từ 3 năm nay, hàng tháng, bà Yoshida đều dành 2 suất học bổng trị giá 1,5 triệu đồng/suất, trích từ khoản trợ cấp hưu trí khiêm tốn của mình, cho hai cháu nhỏ ở Hải Dương và Phú Yên.

Hôm đón tôi về ăn ở cùng gia đình (“homestay”) theo chương trình giao lưu do JICA vùng Hokuriku tổ chức, bà cụ tự lái xe vượt gần 30 km từ Nomi tới Trung tâm Giao lưu quốc tế Thành phố Komatsu. Trong chiếc áo dài màu xanh da trời, bà Yoshida không khác nhiều so với những cụ bà Việt Nam vẫn xúng xính trong những dịp lễ trọng.

Mặc dù được nghe nói nhiều về sự hiếu khách và chu đáo của người Nhật Bản, nhưng tôi vẫn bất ngờ khi ở nhà bà Yoshida. Biết sẽ được đón tiếp một người khách Việt Nam , từ trước đó một tuần, bà đã chuẩn bị những món ăn truyền thống của vùng để đãi khách. Vào mỗi bữa sáng - bữa chính của người Nhật Bản, bà bày ra đầy một bàn và bắt ăn thử mỗi thứ một ít, thứ nào được khen ngon thì phải ăn hết cả gói.

Bà Yoshida không nói được tiếng Anh, còn tôi sau, gần một tuần ở Nhật, ngoài “arigato” (cảm ơn), “sumimasen” (xin lỗi), thì “oshi” (ngon) là từ tôi nói thạo nhất. Thế nên, điều phiền lòng duy nhất trong ba ngày “homestay” là việc bà cụ phải nhấc điện thoại nhờ một người cháu biết tiếng Anh hỏi xem, liệu bà có nấu vừa miệng không mà khách quý Việt Nam lại để thừa thức ăn nhiều thế, dù luôn miệng “Oshi, oshi”.

 

3. Tôi được thăm Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) một cách khá bất ngờ, bởi trước khi đi bà Yoshida chỉ nói là sẽ đi cùng với vài người bạn đến một nơi rất đặc biệt.

 

Một thoáng Việt Nam ở Ishikawa ảnh 2

Tác giả trong Thư viện JAIST

 

Nằm ở một ngọn đồi tuyệt đẹp ở ngoại ô Thành phố Nomi, tỉnh Ishikawa, JAIST là một nơi không dễ đặt chân tới, ngay cả đối với người dân địa phương. Người đưa tôi đi thăm JAIST là một người Việt - chị Quế Anh, người bạn vong niên của bà Yoshida. Nhờ có tấm thẻ của chồng, anh Quang Minh, một trong một chục giáo sư người Việt được bạn mời giảng dạy ở JAIST, Quế Anh đưa tôi băng qua ngọn đồi, tới thăm “thung lũng sillicon” của Nhật Bản.

Là niềm tự hào về tri thức ở Ishikawa, JAIST được thành lập vào năm 1990, là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản với ba ngành khoa học “đắt sô” nhất hiện nay là: công nghệ thông tin, khoa học vật liệu và khoa học tri thức. Sau 20 năm, có lẽ vị Thủ tướng Nhật Bản ký quyết định thành lập Viện khi ấy là ông Mori cũng không tưởng tượng được, ngay tại “đại bản doanh” của JAIST lại có một làng khoa học Việt Nam.

Tại đây, hơn 60 nhà khoa học ưu tú của Việt Nam đang tham gia vào những vấn đề nóng bỏng của nhân loại: từ phản ứng của não bộ khi nhìn lên website tới pin mặt trời có thể thay được nhà máy điện hạt nhân. Chị Quế Anh cho biết, nếu tính cả trẻ em và gia đình, thì hiện JAIST có tới hơn 100 người. Trong số này, nổi tiếng nhất và cũng là người giữ vai trò “già làng” là GS. Hồ Tú Bảo, người vừa được mời làm thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán Việt Nam , do GS. Ngô Bảo Châu đứng đầu. Có lẽ ở ngoài biên giới Việt Nam, đây là một cộng đồng tinh hoa người Việt đông đảo, có chất lượng bậc nhất không chỉ ở Nhật Bản, mà còn trên toàn thế giới.

Bà Yoshida nhắc chị Quế Anh đưa tôi đến thăm một bức tường đặc biệt ở JAIST. Nằm ở ngay sảnh lớn, ở vị trí trang trọng nhất là hàng trăm tấm bảng đồng nhỏ, ghi tên các giáo sư có những công trình nghiên cứu đặc biệt tại JAIST, trong đó có rất nhiều tên người Việt Nam. Đến lúc này, tôi mới hiểu hết cái “đặc biệt” của JAIST mà trước khi khởi hành, bà Yoshida nhấn mạnh với tôi tới mấy lần.

Bất chấp khoảng cách mênh mông về ngôn ngữ, tôi vẫn cảm nhận được tình cảm trân trọng, quý mến của bà Yoshida, cũng như những người dân Nhật Bản ở Ishikawa đối với Việt Nam.

Vào đêm cuối của chương trình “homestay”, trong căn nhà gỗ cổ, vách mỏng kiểu truyền thống Nhật Bản của bà Yoshida, nghe tiếng dế rúc từng hồi ở vườn cải, lẫn tiếng róc rách của con mương nhỏ cạnh nhà, tôi không khỏi bồi hồi khi nhớ về miền quê xa ở Việt Nam, với hình ảnh bà ngoại thân thương của mình. Một cảm giác khiến tôi chợt thấy, vùng đất này thật gần gũi, ấm áp, giữa cái giá lạnh đầu đông ở Ishikawan