Đã đến lúc cơ quan quản lý nên mở quyền được cùng mua - bán một loại cổ phiếu trong phiên - Ảnh: Hoài Nam

Đã đến lúc cơ quan quản lý nên mở quyền được cùng mua - bán một loại cổ phiếu trong phiên - Ảnh: Hoài Nam

Mua bán một cổ phiếu cùng phiên, tại sao không?

(ĐTCK-online) Mua bán một loại cổ phiếu trong phiên là nhu cầu có thật, tuy nhiên từ trước đến nay vẫn chưa được cho phép. Lý do là hệ thống của Trung tâm Lưu ký (VSD) được quản lý hai cấp, VSD chỉ quản lý tài khoản tổng của CTCK, còn CTCK quản lý tài khoản của từng khách hàng.

>> Mua bán trong phiên: Ngóng Bộ Tài chính!

>> Mua - bán trong phiên: Đèn xanh một nửa!

>> Nên sớm cho cùng mua - bán một loại CK trong ngày

Lâu nay, nhiều NĐT có thời gian bám sàn vẫn thường có thói quen mở hai tài khoản. Một được mang tên NĐT chính thức và một là tài khoản ủy quyền. Việc thực hiện song song hai tài khoản giúp NĐT có nhiều cơ hội kinh doanh ngắn hạn, có thể thu được lợi nhuận lên tới 10% ở sàn HOSE và 14% ở HNX/phiên tại những thời điểm thị trường biến động mạnh.

Nhu cầu kinh doanh này của NĐT là chính đáng, cơ quan quản lý cũng biết. CTCK thậm chí còn khuyến khích NĐT lướt sóng kiểu này vì giúp thị trường thanh khoản, bộ phận môi giới thu được nhiều phí. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, việc này đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là tình trạng tranh chấp trên các tài khoản được ủy quyền giao dịch đang diễn ra ngày một nhiều.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài bấy lâu nay vẫn mong muốn được mở nhiều hơn một tài khoản. Một trong các lý do xuất phát từ việc nhiều tổ chức hiện đang thực hiện chức năng ủy thác đầu tư, cùng một ngày họ nhận được nhiều lệnh giao dịch từ các khách hàng nước ngoài về cùng một mã cổ phiếu.

Một ngày, các tổ chức ủy thác nhận được lệnh từ khách hàng, có khách muốn mua, có khách muốn bán. Chẳng hạn, nếu một ngày giao dịch, tổ chức đó nhận được lệnh mua cổ phiếu A với tổng khối lượng là 1 triệu cổ phiếu, tổng lệnh bán là 800.000 cổ phiếu. Tổ chức đó sẽ chỉ đặt lệnh mua 200.000 cổ phiếu A, 800.000 cổ phiếu còn lại được khấu trừ cân đối ngay tại chỗ. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả các NĐT cùng gửi lệnh sớm trước giờ giao dịch. Nếu các lệnh gửi tới trong phiên nhưng không thuận với hoạt động giao dịch của tổ chức nhận ủy thác ngày hôm đó, có thể lệnh sẽ không được đáp ứng hoặc lệnh phải dời sang hôm sau.

Mua bán một loại cổ phiếu trong phiên là nhu cầu có thật, tuy nhiên từ trước đến nay vẫn chưa được cho phép. Lý do là hệ thống của Trung tâm Lưu ký (VSD) được quản lý hai cấp, VSD chỉ quản lý tài khoản tổng của CTCK, còn CTCK quản lý tài khoản của từng khách hàng.

Có thể hình dung là VSD chỉ nắm chiếc túi lớn là tài khoản của CTCK với tổng số tiền, tổng số chứng khoán, tổng số từng mã cổ phiếu. Nhưng trong chiếc túi lớn còn nhiều chiếc túi nhỏ hơn - tài khoản của từng NĐT thì chỉ CTCK mới thông tỏ, NĐT đang sở hữu bao nhiêu mã cổ phiếu, số dư tiền...

Chính vì cách quản lý hai cấp này khiến VSD chỉ theo dõi được sự biến động cổ phiếu và tiền mặt tại các CTCK mà không quản lý tới tận chân tài khoản của NĐT. Nhiều CTCK tận dụng sơ hở này, lách luật cho phép khách hàng bán chứng khoán vào ngày T+0, T+1, T+2... Thực chất, đây là hình thức một số CTCK cho vay chứng khoán để bán từ tài khoản NĐT khác hoặc từ tài khoản tự doanh của CTCK, tương tự như việc cho phép khách hàng bán khống khi không thực sự sở hữu, một dạng dịch vụ vẫn đang chờ Bộ Tài chính cho phép. Thậm chí, một số CTCK cho phép khách hàng bán chứng khoán bừa bãi mà không cân đối được nguồn vay, dẫn tới mất khả năng thanh toán ngắn hạn như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, từ ngày 31/5 vừa qua, VSD đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống phần mềm lưu ký mới sau hơn một tháng chạy thử nghiệm song song với hệ thống cũ. VSD đã có một bước tiến lớn khi đang thí điểm áp dụng mô hình quản lý mới tới tận tài khoản từng NĐT. Với việc áp dụng công nghệ hỗ trợ, chỉ bằng vài từ khóa như tên, số tài khoản, số CMND…, VSD có thể nắm chi tiết tài khoản của NĐT có bao nhiêu cổ phiếu, thuộc mã nào, thay đổi hàng ngày ra sao. Do đó, việc NĐT bán chứng khoán vượt quá số dư trên tài khoản và sớm hơn ngày T+3 sẽ được giám sát chặt chẽ.

Theo quy định hiện tại, NĐT chỉ được phép bán chứng khoán khi thực sự sở hữu (liên quan đến quy định này có hai khái niệm vẫn đang gây nhiều tranh luận là khái niệm "chưa sở hữu chứng khoán" và "sở hữu chứng khoán trong tương lai gần").

Theo ý kiến của giới luật sư, việc xác định quyền sở hữu có yếu tố then chốt là thời điểm chuyển giao, vì vậy căn cứ pháp lý cho việc bán chứng khoán trước ngày T+3 chưa thể nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Nhưng giả định NĐT A đầu giờ giao dịch đã có sẵn cổ phiếu X trên tài khoản, đầu phiên, NĐT này mua thêm cổ phiếu X, nhưng sau đó vì một lý do nào đó có nhu cầu bán ra. Rõ ràng, điều này Luật Chứng khoán không cấm, nhưng quy định tại hai Sở hiện nay lại vênh nhau, HOSE không cho phép NĐT A cùng mua - bán cổ phiếu X trong phiên và HNX lại bỏ ngỏ. Dù vậy, hiện nay NĐT cũng chưa thể thử nghiệm điều này tại sàn HNX, bởi "bộ lọc" tại các CTCK không cho phép NĐT thực hiện hành vi giao dịch này.

Với cơ chế quản lý mới, VSD khó có thể bị "qua mặt" nếu NĐT bán vượt số dư tại thời điểm giao dịch, hoạt động này cũng không tạo nguy cơ ảnh hưởng tới phương thức thanh toán bù trừ đa phương hiện nay. Đã đến lúc cơ quan quản lý nên mở quyền được cùng mua - bán một loại cổ phiếu trong phiên để thị trường tăng thanh khoản và tăng sức hấp dẫn?