TS. Lê Đăng Doanh

TS. Lê Đăng Doanh

Mùa cao điểm mua sắm, CPI sẽ vẫn bình ổn

(ĐTCK) “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng và đi xuống trong tháng 11 vừa qua một mặt thể hiện dấu hiệu tích cực của sự bình ổn kinh tế, song mặt khác cũng ẩn chứa nhiều biến động không thể xem thường”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trao đổi với ĐTCK.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về xu hướng CPI trong những tháng gần đây?

Có nhiều yếu tố dẫn tới CPI liên tục thấp trong các tháng qua, trong đó yếu tố chính là do giá dầu trên thị trường thế giới liên tục lao dốc kéo theo giá xăng dầu trong nước liên tục giảm mạnh và giá các mặt hàng nhập khẩu cũng giảm.

Tôi cho rằng, nếu giá cước vận tải được điều chỉnh kịp thời và tương xứng với đà giảm mạnh của giá bán xăng dầu thì giá các mặt hàng còn có thể giảm hơn nữa, kéo theo CPI giảm sâu hơn. Nhìn từ góc độ này thì đó là những chuyển biến tích cực của thị trường, song còn có một nguyên nhân quan trọng nữa khiến CPI giảm còn là do tổng cầu vẫn yếu.

Hiện nay, sức mua của đại đa số người dân vẫn còn thấp dù giá hàng hóa có giảm, trong khi về phía DN, việc tiếp cận tín dụng còn rất khó khiến việc phục hồi sản xuất vẫn nan giải, kéo theo đó là tín dụng tăng thấp. Đây là những yếu tố mà chúng ta cần xem xét. 

Cùng với dấu hiệu chuyển biến tích cực của thị trường thì nhiều ý kiến cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng đang bắt đầu tăng lên và đây cũng là yếu tố tác động tới CPI, điều này có đúng không?

Tôi cho rằng, những động thái mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh đã có tác động tích cực đến niềm tin và đúng là niềm tin người tiêu dùng đang tăng lên một cách tích cực.

Chúng ta thấy gần đây ít có chuyện sốt giá một vài mặt hàng nào đó một cách bất thường như trước đây. Song đấy mới là biểu hiện ban đầu, theo tôi, cần tiếp tục theo dõi trong thời gian tới, nhất là giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm. 

Vậy theo đánh giá của ông, mùa lễ tết này, xu thế CPI có tiếp tục bình ổn?

Theo tôi, xu thế này sẽ kéo dài tích cực cả trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Dù đây là 2 dịp lễ lớn mà người tiêu dùng Việt Nam tiêu dùng trên dưới 30% tổng số tiêu dùng hàng năm trong các tháng chuẩn bị tết, nhưng CPI sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ổn định và tích cực trong thời gian tới. 

Sau khi CPI giảm đáng kể, các ngân hàng đang bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay, xu thế lãi suất này sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Do nhiều yếu tố như đã phân tích ở trên khiến chỉ số lạm phát có giảm và giảm liên tục trong một số tháng, nên việc điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay xuống là điều bình thường. Và cân đối lãi suất với lạm phát hiện tại thì vẫn ở mức độ tương đối hợp lý.

Nếu ta giữ lãi suất cho vay cao quá thì chi phí tiền vốn sẽ cao một cách bất hợp lý và điều đó không khuyến khích các DN vay vốn.

Thứ hai, có thể thấy, một số ngân hàng hiện đang có khó khăn trong việc cho vay, họ đang ứ vốn khá nhiều và phải chi phí cao cho số vốn huy động trước đây, nên chủ động giảm lãi suất, thậm chí còn thấp hơn lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã ấn định.

Điều này có tác động tích cực vì nếu lãi suất tiết kiệm giảm thì người có tiền sẽ tìm cách đầu tư vào lĩnh vực khác. Chúng ta đã thấy có nhiều biểu hiện chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực, chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu khởi sắc hơn, hoặc số lượng DN đầu tư, thành lập nhiều hơn.

Điều đó chứng tỏ lãi suất thấp đã tác động tích cực và nên coi đây là biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là chi phí lãi suất của ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. 

Liên quan đến vấn đề tỷ giá ngân hàng, gần đây, tỷ giá đáng có dấu hiệu nóng lên. Ngoài nhu cầu của DN xuất nhập khẩu thì theo ông còn có nguyên nhân nào khác ngoài thị trường khiến tỷ giá tăng?

Tỷ giá tăng rõ ràng phản ánh xu hướng cuối năm các DN cần kết toán hợp đồng và phải trả tiền, thứ hai nữa là các DN cần nhập hàng để chuẩn bị cho Tết. Giờ đã là tháng 10 Âm lịch, nên chỉ còn 2 tháng và DN cần ngoại tệ để nhập khẩu, còn yếu tố thứ ba không thể xem thường là khoảng cách giá vàng giữa trong nước - giá vàng thế giới là tương đối cao và biến động ngược chiều giữa đồng đô la và giá vàng thế giới giảm.

Tôi được biết, cơ quan công an đã báo cáo về việc bắt được một số vụ buôn lậu vàng, song theo tôi đấy chỉ là tảng băng nổi, còn  khối lượng vàng buôn lậu trên thực tế là rất lớn. Việc chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao quá là một động lực rất mạnh mà khó có bức tường hải quan, quản lý thị trường… nào có thể ngăn chặn được.

Tin bài liên quan