Mùa đại hội cổ đông thường niên chưa có… hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, công ty cổ phần phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Tuy vậy, tới thời điểm này, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được đại hội.

Từ triệu tập bất thành…

Ngày 25/7 tới, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023 theo hình thức trực tuyến sau hai lần triệu tập bất thành. Trước đó, đại hội lần 1 của LDG chỉ có 22,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và đại hội lần 2 chỉ có 16,26% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, không đáp ứng điều kiện tổ chức (trên 50% cổ phần trong lần 1 và từ 33% trong lần triệu tập thứ 2). Theo quy định, đại hội sắp tới của Công ty sẽ chắc chắn được tổ chức, mà không bị phụ thuộc bởi tỷ lệ cổ đông tham dự.

Mùa đại hội cổ đông năm nay đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản không hoàn thành mục tiêu tổ chức đại hội trong 6 tháng đầu năm như LDG, vì lý do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.

Chẳng hạn, đại hội lần 1 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng – DIC Corp (mã DIG) chỉ có 539 cổ đông, đại diện 38,2% tổng số cổ phần lưu hành tham dự. Ngày 21/7 tới, Công ty sẽ tổ chức đại hội lần 2. Hay Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã CEO) tổ chức đại hội (lần 1) bất thành trong ngày 30/6, vì số phiếu biểu quyết tham dự đại hội chỉ đạt 25,42%.

Tỷ lệ số phiếu biểu quyết tham dự đại hội của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) trong ngày 29/6 chưa đầy 16%. Hiển nhiên, Công ty sẽ phải sớm thông báo về kế hoạch tổ chức đại hội lần thứ 2.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco đánh giá, việc các doanh nghiệp bất động sản tổ chức đại hội bất thành trong năm nay bắt nguồn từ thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn và cơ cấu cổ đông doanh nghiệp bất động sản phân tán.

Từ cuối năm 2022, trong giai đoạn thị trường lao dốc, giới đầu tư mắc kẹt trong trạng thái hoảng loạn, hàng loạt công ty chứng khoán liên tục mang cổ phiếu các lãnh đạo bất động sản ra bán để đảm bảo an toàn vốn cho các khoản vay ký quỹ khiến nhiều công ty không còn cổ đông lớn.

Chẳng hạn, từ tháng 10/2022 đến tháng 5/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch LDG liên tiếp bị bán giải chấp với tổng khối lượng hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 7,11% vốn điều lệ tại Công ty và không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư LDG.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu DIG. Dựa trên công bố thông tin từ ngày 4/11/2022 đến 16/11/2022, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp tới 31.858.450 cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn điều lệ…

Thêm vào đó, trong giai đoạn cổ phiếu bất động sản thăng hoa, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ tham gia lướt sóng, nhiều nhà đầu tư vô tình trở thành cổ đông “bất đắc dĩ” nên số lượng cổ đông thực tế muốn đi dự đại hội là không nhiều.

Ngoại trừ LDG tổ chức đại hội lần đầu vào ngày 11/5, nhìn chung các doanh nghiệp bất động sản trên đều tổ chức họp đại hội vào những ngày “chót hạn”. Do thực tế đi lệch kế hoạch ban đầu, các doanh nghiệp phải kéo dài kế hoạch tổ chức đại hội vào tháng 7 này, thậm chí phải sang tháng 8 nếu đại hội lần 2 không thành.

… Đến cố tình trễ “deadline”

Bên cạnh những doanh nghiệp tổ chức muộn vì lý do khách quan thì vẫn có nhiều doanh nghiệp chủ đích tổ chức đại hội cổ đông chậm trễ...

Bên cạnh những doanh nghiệp tổ chức muộn vì lý do khách quan thì vẫn có nhiều doanh nghiệp chủ đích tổ chức đại hội chậm trễ.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã HVN) mới đây đã thông báo sẽ tổ chức đại hội trước ngày 30/8/2023 do Công ty “cần có thêm thời gian chuẩn bị”. Như vậy, HVN sẽ quá hạn gần 2 tháng so với quy định. Ngày 26/6 vừa qua, Công ty cổ phần Thép Pomina mới chốt danh sách tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 14/7 tại TP.HCM.

Trong danh sách doanh nghiệp niêm yết chưa tổ chức đại hội (lần 1) còn có Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản MCG (mã MCG), Công ty cổ phần Sông Đà 1 (mã SD1), Công ty cổ phần TIE (mã TIE)…

Theo Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tổ chức niêm yết chưa họp đại hội cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính sẽ vào diện chứng khoán bị cảnh báo.

Ngày 5/7, HVN nhận được thông báo cổ phiếu bị cảnh báo từ ngày 11/7. Ngoài ra, HOSE còn đưa HVN vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7 do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022. Theo đó, cổ phiếu HVN sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều của các ngày giao dịch.

POM cũng nhận được quyết định tương tự dù trước đó, cổ phiếu này đã nằm sẵn trong danh sách bị theo dõi ở diện cảnh báo của HOSE do nộp chậm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 âm 444,68 tỷ đồng.

Tin bài liên quan