Tâm lý nhà đầu tư trong nước nhìn chung vẫn còn cẩn trọng.

Tâm lý nhà đầu tư trong nước nhìn chung vẫn còn cẩn trọng.

Mua khi nhiều tin xấu đã ở cuối chu kỳ

(ĐTCK-online) Trong tháng 3, có đợt dịch chuyển khá mạnh về giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt là penny-stock, sau khi có thông tin về lợi nhuận DN, về chia tách cổ phiếu…

Trong khi đó, nhóm blue-chip được nâng đỡ mạnh bởi các NĐT nước ngoài vào những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Từ đầu năm đến nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE đã bằng 80% của cả năm 2009. Tuy nhiên, tâm lý NĐT trong nước nhìn chung vẫn còn cẩn trọng, với lo ngại các phiên bull-trap lặp lại. Rủi ro và một số định hướng chính sách vĩ mô chưa rõ ràng cũng khiến giới đầu tư ngập ngừng. Thực tế, việc mua vào khi các tin xấu đang đi vào giai đoạn cuối là một chiến lược đầu tư có thể đem lại hiệu quả, đặc biệt là khi thị trường đã đi ngang và tích lũy trong một thời gian dài.

 

Đánh giá lại rủi ro kinh tế vĩ mô

GDP của Việt Nam trong quý I tăng trưởng 5,83%, tuy giảm so với mức tăng 2 quý liền trước đó, nhưng vượt xa so với mức tăng 3,1% của cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp và hoạt động bán lẻ tăng trưởng lần lượt ở mức 13,6% và 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cho thấy, kinh tế trong nước tiếp tục thể hiện sự phục hồi khá mạnh, bất chấp một số lo ngại gần đây về thâm hụt thương mại, tỷ giá, lạm phát.

- Về thâm hụt thương mại. Nhập siêu trong quý I là 3,5 tỷ USD, bằng 24,8% giá trị xuất khẩu (vượt mục tiêu 20% của Chính phủ). Tuy vậy, đây chưa hẳn là một điều đáng quan ngại. Cơ cấu hàng nhập khẩu cho thấy những dấu hiệu tích cực, khi nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị đều tăng mạnh. Sức ép thực sự của nhập siêu lên tỷ giá hiện tại vẫn chưa nhiều, vì vốn FDI giải ngân và kiều hối trong quý I đủ để bù đắp. Bên cạnh đó, nếu không tính hơn 1 tỷ USD do hoạt động tái xuất khẩu vàng đột biến trong quý I/2009, thì xuất khẩu quý I/2010 tăng 8,7%.

- Về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,75% so với tháng 2 và tăng 9,46% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây (trừ năm 2008). Tuy vậy, CPI tháng 3 tăng mạnh là do tác động của một loạt yếu tố về chi phí đẩy và cầu kéo. Trong đó, đáng chú ý là chu kỳ thống kê CPI tháng 3 đúng vào thời kỳ sau Tết Nguyên đán; tỷ giá USD/VND, giá xăng dầu, than, điện được điều chỉnh tăng. Dự báo, lạm phát năm 2010 có thể dưới 9%, nếu Chính phủ duy trì kỷ luật về chi tiêu ngân sách, kiểm soát chặt hơn việc đầu tư và các khoản hỗ trợ cho DNNN. Ngoài ra, NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức vừa phải, theo chúng tôi là dưới 30%.

- Về thị trường tín dụng. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong quý I tương ứng là 3,34% và 2,35% so với đầu năm, giảm khá mạnh so với cùng kỳ những năm trước. Điều này sẽ giúp giảm bớt sức ép đối với lạm phát trong những tháng sắp tới. Trong khi đó, tín dụng bằng nội tệ tăng không đáng kể, còn ngoại tệ tăng tới 14,07%. Do đó, nhiều khả năng NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và cung tiền nhiều hơn cho thị trường trong quý II, thông qua thị trường mở.

Chúng tôi cho rằng, rủi ro vĩ mô đáng quan ngại của nền kinh tế hiện nay là mức thâm hụt ngân sách, do phải thực hiện chính sách kích cầu trong năm 2009. Bội chi ngân sách trong quý I là 11.100 tỷ đồng, bằng 3,05% so với GDP của quý I và bằng 12,21% so với thu ngân sách. Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thời kỳ hậu khủng hoảng và kích thích kinh tế cũng là một hệ lụy đáng quan tâm. Hai vấn đề này chỉ có thể được cải thiện trong dài hạn.

 

Cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu

- Một là, ngành ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng quý I ở mức thấp, ảnh hưởng đến doanh thu tín dụng. Việc đóng cửa sàn vàng hay hoạt động đầu tư tài chính trong bối cảnh TTCK khó khăn cũng ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của các ngân hàng. Rủi ro thanh khoản cũng là một vấn đề được quan tâm, nhưng chủ yếu diễn ra ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng nông thôn mới chuyển đổi, nhất là khi chịu áp lực tăng vốn lên lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Những hệ lụy nêu trên chủ yếu phát sinh từ giai đoạn nền kinh tế rơi vào trì trệ sau khủng hoảng. Những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong thời gian tới là mấu chốt để thúc đẩy hoạt động ngân hàng, đặc biệt là TTCK (các ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của TTCK). Với kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng trong quý II, chúng tôi cho rằng, những tác động tích cực này sẽ đến trong tương lai gần.

Hiện lãi suất huy động ở một số ngân hàng lớn không còn duy trì ở mức cao, đặc biệt lãi suất cho vay thỏa thuận đang có xu hướng giảm xuống còn 15 - 16%/năm. Ngoài sự cân nhắc từ phía DN, đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy vấn đề thanh khoản của ngân hàng được cải thiện. Việc lãi suất đang dịu lại sẽ sớm giúp tín dụng lưu thông thông suốt, giúp ngân hàng cải thiện lĩnh vực kinh doanh chủ chốt này. Trong khi đó, áp lực sụt giảm lợi nhuận lãi biên ở các ngân hàng là không quá lớn do "quyền lực của nhà cung cấp" (supplier power) trong ngành vẫn ở mức cao.

Trên TTCK, giá cổ phiếu ngân hàng gần như đi ngang trong sáu tháng qua. Rất có thể thời gian tích lũy đã đi vào giai đoạn cuối. Đối với trường phái đầu tư "mua vào khi tin xấu", đây có thể là thời điểm tốt trong năm 2010 để bắt đầu tích lũy cổ phiếu ngân hàng tiềm năng.

- Hai là, ngành vận tải biển và dịch vụ cảng. Mức giá cước vận tải hàng rời đã ở mức thấp khá lâu và gần đây có dấu hiệu cải thiện nhờ vào nhu cầu vận chuyển các mặt hàng như gạo, cà phê... tiếp tục ổn định. Hoạt động vận tải hàng lỏng duy trì ổn định trong thời gian qua và sẽ được cải thiện khi nhu cầu sử dụng năng lượng trong giai đoạn kinh tế phục hồi tăng lên. Trong khi đó, thị trường vận tải container bắt đầu nóng trở lại từ cuối quý I. Tình hình xuất khẩu hàng hóa đi các nước châu Âu và Mỹ gia tăng thời gian qua làm cho nhu cầu tăng vọt. Một số hãng tàu nước ngoài đã nâng sản lượng vận chuyển lên gấp 3 lần so với trước đây. Rất có thể suy thoái trong ngành vận tải biển đã chạm đáy và bắt đầu vào chu kỳ hồi phục. Rủi ro lớn nhất của ngành này là năng lực thấp và độ tuổi cao của đội tàu, khiến cho vị thế cạnh tranh của các DN bị hạn chế. Ngoài ra, các DN đều sử dụng nợ vay cao nên sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng. Một số DN bán tàu, nhưng chưa tái đầu tư, sẽ mất cơ hội khi nhu cầu hồi phục trở lại.

Về dịch vụ cảng, tình trạng cung không đủ cầu cảng nước sâu ở hai khu vực kinh tế sôi động cả nước là TP. HCM và Hải Phòng tiếp tục diễn ra. Các DN nước ngoài mở thêm tuyến vận tải quốc tế mới từ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các DN dịch vụ kho bãi phát triển.

- Ba là, ngành bất động sản. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2010 có thể gây một số khó khăn tạm thời trong ngành này. Tuy nhiên, dòng tiền dành cho thị trường bất động sản có thể sẽ được khơi thông vào quý II, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng nhẹ. Là một trong những ngành được hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ trong năm 2009 và kéo dài sang quý I/2010, chúng tôi tin rằng, báo cáo tài chính của hầu hết DN bất động sản sẽ cho thấy kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2010. Tuy vậy, sự biến động về giá của nhóm cổ phiếu bất động sản trong tháng 4 sẽ chọn lọc hơn, phụ thuộc nhiều vào tính chất của dự án và sức mạnh dòng tiền của DN. Ưu tiên trong thời gian tới có lẽ là phân khúc bất động sản công nghiệp. Phân khúc này dự báo duy trì được hoạt động kinh doanh tốt trong năm 2010 nhờ vào nhu cầu khá lớn của các DN vừa và nhỏ, cũng như giá thuê đất đang ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, nguồn vốn FDI quay trở lại sau khủng hoảng sẽ góp phần khiến nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tăng mạnh. Những công ty có hoạt động kinh doanh bất động sản thương mại nhiều khả năng sẽ hoạt động khả quan. Còn phân khúc văn phòng cho thuê có thể tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, khi nguồn cung dự kiến tăng nhanh hơn so với nhu cầu thực tế. Nhu cầu ở phân khúc đất nền và căn hộ thường chỉ hồi phục theo sau sự nới lỏng của tín dụng và chính sách tiền tệ.

- Thứ tư, ngành cao su thiên nhiên. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng xuất khẩu cao su quý I đạt 123.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 333 triệu USD, tăng 100%, nhờ giá xuất khẩu ổn định ở mức cao (trung bình khoảng 2.700 USD/tấn, cao gần gấp đôi).

Trong 2 tháng đầu năm, một số công ty trong ngành như PHR và DPR lần lượt đạt 67,5 tỷ đồng và 48,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành hơn 20% kế hoạch cả năm ngay trong mùa thấp điểm. Quý I là mùa cây cao su thay lá và thường có sản lượng thấp nhất năm. Vụ khai thác mới bắt đầu từ tháng 4, kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở các DN trong ngành trong quý II.

Chúng tôi cho rằng, khả năng giá cao su xuất khẩu giảm mạnh như những tháng đầu năm 2009 là rất khó xảy ra, do nền kinh tế thế giới đang hồi phục tích cực và nguồn cung bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010, Việt Nam đã tham gia Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC), cơ quan này sẽ giúp điều phối sản lượng và giá cao su xuất khẩu. Rủi ro lớn nhất lúc này của ngành cao su thiên nhiên Việt Nam là yếu tố thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là khô hạn nếu xảy ra sẽ làm giảm lượng mủ khai thác.

Chỉ số ngành và toàn bộ thị trường

Ngành

P/E 09

P/B 09

ROE 09

EPS 2010

P/E F 2010

Bất động sản

 16,32

 3,85

23,6%

 5.041

 12,90

Sản xuất cao su

 11,85

 2,69

22,7%

 5.410

 8,23

Vận tải - kho bãi

 10,74

 1,61

15,0%

 4.427

 6,08

Ngân hàng

 10,51

 2,18

20,8%

 2.877

 11,20

Toàn bộ thị trường

 11,95

 2,37

19,8%

 3.988

 9,49

Nguồn: VietstockFinance