Mua nhà, chọn hướng ra sao?

Mua nhà, chọn hướng ra sao?

(ĐTCK) Hướng là một yếu tố quan trọng, nhưng lại là yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát và thay đổi được.

Chọn hướng: Phải thấu đáo

Với sự bùng nổ thông tin và phổ cập kiến thức Địa lý phong thủy hiện nay, việc chọn hướng tốt xấu với tuổi của gia chủ trước khi mua nhà, đất đã trở nên rất phổ biến. Có những người chỉ khăng khăng đi tìm mua nhà đất theo hướng sinh khí, được tính theo năm sinh của chủ nhà và hướng của nhà, đất.

Đông trạch hay Đông tứ mệnh bao gồm các hướng tốt là Bắc, Nam, Đông và Tây Nam (tính theo phương pháp của Địa lý Lạc Việt, còn theo phương pháp cổ thư Hán là hướng Đông Nam). Tây trạch hay Tây tứ mệnh bao gồm các hướng Tây Bắc, Tây, Đông Bắc và Đông Nam (tính theo phương pháp của Địa lý Lạc Việt, còn theo phương pháp cổ thư Hán là hướng Tây Nam).

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có hiểu rõ vì sao hướng này là sinh khí đối với người Đông trạch, nhưng lại là tuyệt mạng với người Tây trạch và vì sao lại tên là sinh khí? Liệu có phải con người ta sống chỉ có 4 hướng tốt để lựa chọn, trong khi chúng ta đang sống trong một không gian đa chiều và mỗi mặt phẳng có tới 360 độ?

Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ bản chất của Địa lý phong thủy và tác động của nó lên cuộc sống của con người, bởi thực tế, nhiều khi chúng ta áp dụng một cách máy móc mà không thấu đáo bản chất, dẫn tới sự sai lệch. 

Những yếu tố quan trọng khi xác định hướng

Mua nhà, chọn hướng ra sao? ảnh 1

Trong bộ môn Địa lý phong thủy, việc chọn hướng cửa, hướng cổng được gọi là lập hướng. Tuy nhiên, để lập được hướng thì chuyên gia Địa lý Lạc Việt bước cơ bản cần xác định rất nhiều các yếu tố lần lượt theo thứ tự quan trọng.

Thứ nhất là môi trường địa lý xung quanh. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định tới sự tốt, xấu cho một căn nhà hay một mảnh đất.

Trong các dự án bất động sản nhà song lập, đơn lập, liền kề, thì đó chính là vị trí nhà đối với đường giao thông, hồ nước, đường thoát nước.

Chính vì thế, cho dù cùng một dãy nhà, có cùng thiết kế và giả sử như đều cùng là hướng tốt cho trạch chủ, thì chắc chắn không thể tốt giống nhau hết cho toàn bộ các gia chủ trong dãy nhà đó. Yếu tố này rất quan trọng đối với một ngôi nhà, nhưng lại không thể thay đổi được, nó nằm ngoài sự kiểm soát của chủ nhà.

Thứ hai là chất lượng của đất. Đây là yếu tố môi trường rất quan trọng, vì nó quyết định tới sức khỏe của từng thành viên trong gia đình.

Tổ tiên chúng ta xưa kia có các phương pháp để xác định đất lành hay dữ để chọn đất xây nhà, nhưng ngày nay không thể thực hiện được. Các chuyên gia Địa lý Lạc Việt có phương pháp riêng để đánh giá mức độ lành dữ của đất.

Đây cũng là yếu tố mang tính chất đầy may rủi, khi chúng ta phải phụ thuộc vào sự đánh giá từ phía các chuyên gia phong thủy và đặc biệt, cũng không thể lựa chọn khi các căn nhà đã được qui hoạch và định hình sẵn sàng. Tuy nhiên, nếu nhà, đất được xây dựng và định hình theo trục Bắc - Nam , Tây Bắc - Đông Nam, thì ít nhất cũng sẽ tốt hơn so với các trục còn lại.

Thứ ba là hình thế cấu trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, với các căn nhà trong các dự án bất động sản hiện nay, chúng ta cũng không thể lựa chọn do đây là thiết kế chung của toàn bộ dự án. Yếu tố này cũng không thể kiểm soát hay thay đổi cho dù hình thể được xác định là sai phạm hoặc xấu.

Thứ tư là Bát trạch. Xác định trạch chủ, tức là đối tượng được lấy để xác định mệnh trạch để từ đó phối hợp với hướng nhà, đất để quy về 4 hướng tốt và 4 hướng xấu.

Tuy nhiên, vì sao người và hướng lại có thể đồng đẳng để có thể quy về được các hướng Sinh khí, Ngũ quỷ, Thiên y, Tuyệt mạng, Diên niên, Phục vị , Họa Hại? Câu trả lời là chúng ta phải quy về cùng một hệ quy chiếu, tức là hệ thống Bát quái gồm các Quái: Càn - Không - Chấn - Tốn - Khảm - Ly - Khôn - Đoài. Năm sinh của trạch chủ được quy về Bát quái và hướng cũng được quy về Bát quái.

Dựa vào phương pháp gọi là “quy tàng dịch”, chúng ta lấy quái của trạch chủ cộng với quái của hướng nhà sẽ được một quái. Ví dụ, quái Khôn là Phục vị. Còn vì sao mỗi quái như quái Cấn sau khi “quy đồng” lại được Sinh khí, hay Khôn là Phục vị thì không thể giải thích trong phạm vi bài viết này.

Thứ năm là thiết kế không gian bên trong của ngôi nhà. Đây chính là yếu tố mang tính môi trường bên trong tác động trực tiếp lên những người sống trong ngôi nhà.

Thiết kế chuẩn theo các tiêu chí của Địa lý Lạc Việt sẽ bao gồm các yếu tố gồm như Bát trạch, Huyền không, Hình Khí, Dương trạch, vị trí cổng, cửa, nhà vệ sinh, đường cấp thoát nước...

Thứ sáu là hình thể của mảnh đất. Chúng ta có thể chọn nhà, đất theo hình vuông hoặc chữ nhật (tức là chiều dài không được vượt quá 2 lần chiều rộng) là tốt nhất.

Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn ở mảnh đất gọi là thóp hậu với mảnh đất thu tài. Mảnh đất có hình như hình thang với cạnh đáy là hậu nhà nhỏ hơn không vượt quá 50% cạnh đỉnh là mặt tiền nhà, thì được coi là thu tài. Do vậy, nếu chỉ nhỏ hơn vài phần trăm thì không được gọi là thóp hậu.

Chỉ có ở miền Bắc chúng ta mới có phương pháp truyền miệng từ tổ tiên chúng ta: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Thế nên, còn tồn tại rất nhiều các làng, xã ở miền Bắc tồn tại cho tới ngày nay, toàn bộ hướng nhà đều quay về hướng Nam.

Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu một hướng nữa là hướng Đông Nam, bởi rất nhiều công trình cổ còn được lưu giữ mang đậm dấu ấn địa lý của người Việt được lập hướng Đông Nam, như kinh đô Huế.

Lý do chính là do vùng khí hậu địa lý tự nhiên của miền Bắc, mùa Đông thường các hướng Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc rất lạnh, nên hướng Nam, Đông Nam thường mát mẻ về mùa Hè và ấm về mùa Đông. Bên cạnh đó, chúng ta đều biết cực từ trường của trái đất là Bắc - Nam, đỉnh của trục quay trái đất là Tây Bắc - Đông Nam và đó cũng chính là trục phúc đức đại diện cho Đông trạch: Bắc - Nam và Tây trạch:

Tây Bắc - Đông Nam của yếu tố Bát trạch trong Địa lý Lạc Việt. Chính vì thế đối với miền Bắc, chọn hướng Nam và Đông Nam cho nhà, đất hoặc hướng ban công cho nhà chung cư luôn được ưu tiên.

Đối với các căn nhà có hướng Nam và Đông Nam được coi là rất tốt trong bố cục Âm Dương, bởi khi đó, căn nhà sẽ có Sơn - Tọa là Bắc và Tây Bắc.

Như vậy, vận khí và quái vận tính theo Huyền không sẽ rất cát lợi khi mỗi chủ nhà xoay chuyển cổng hoặc cửa theo đặc điểm và vị trí ngôi nhà của mình. Kinh doanh hay sinh sống bên trong những ngôi nhà này thường sẽ có nhiều ưu điểm hơn ở các trục hướng khác.

Địa lý Lạc Việt xác định rằng, không có hướng nào con người không sống được. Hướng là yếu tố rất quan trọng, nhưng không có nghĩa phong thủy là chỉ có 4 hướng tốt và 4 hướng xấu.

Chúng ta có 360 độ và có thể lập được 240 hướng tốt xấu khác nhau, việc lập hướng tốt hay xấu đối với một ngôi gia không chỉ là 8 hướng theo yếu tố Bát trạch.

Thế nên, cho dù người Tây tứ trạch sống trong ngôi nhà được xác định là hướng tốt của người Đông trạch, nếu được thiết kế chuẩn theo bố cục của Địa lý Lạc Việt thì vẫn sống tốt. Còn nếu thiết kế sai, thì cho dù có là hướng tốt đối với trạch chủ đi nữa, thì cũng trở nên xấu sau một thời gian nhất định (được xác định bởi yếu tố Huyền không).

Hướng là một yếu tố quan trọng, nhưng lại là yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát và thay đổi được.

Chúng ta có thể lựa chọn theo các hướng tốt của yếu tố Bát trạch, nhưng không có nghĩa chúng ta đã có một ngôi nhà tốt theo tiêu chí Địa lý phong thủy. Điều đó cũng có nghĩa, hướng tốt hay xấu không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự tốt - xấu của ngôi gia.

Tin bài liên quan