Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mua phải nhà trong dự án vướng pháp lý: Lo đến đau tim

Nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý ở TP. HCM đang khiến những người liên quan gặp khó. Điển hình, người dân dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư yêu cầu được trả lại tiền nhưng bị từ chối.

Từ sau tết, hàng trăm nhà đầu tư mua căn hộ dự án Charmington Iris (quận 4) đã đến trụ sở Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) để đòi lại tiền do dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. 

Tuy nhiên, phía TTC Land từ chối và khẳng định họ vẫn xây dựng bình thường, khách hàng không tiếp tục đóng tiền như cam kết sẽ bị phạt hợp đồng.

Người mua nhà vào thế kẹt

Ngày 27/12/2018, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến có công văn 5981 quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 12-8-2016 và quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 12-2-2018 của UBND TP.HCM về quyết định chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại - dịch vụ - căn hộ tại số 76 Tôn Thất Thuyết của Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP. 

Lý do: cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác.

Lo lắng trước thông tin này, nhiều người mua nhà tại dự án đã lên làm việc với TTC Land để hoãn thời hạn thanh toán hoặc lấy lại số tiền đã đóng vì dự án đã không còn tồn tại. 

Bà Nguyễn Phương Liên, người mua căn hộ tại Charmington Iris trong đợt mở bán đầu tiên vào tháng 6/2018 và đã đóng số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng, cho hay qua tham khảo ý kiến của luật sư thì quyết định 5981 của UBND TP là toàn bộ giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng đầu tư trước đó sẽ bị thu hồi. 

Thế nhưng phía TTC Land vẫn đang tiếp tục rao bán căn hộ của dự án. Với người đã đặt cọc trước đó, họ vẫn gửi giấy thông báo đóng tiền theo đúng thời hạn ghi trong hợp đồng và tính lãi phạt với khách hàng đóng trễ.

Ông Trần Hồng Lê - người đặt cọc với TTC Land mua căn hộ chỉ 7 ngày trước khi dự án bị hủy bỏ, thu hồi - bức xúc cho biết về nguyên tắc, khi dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư thì mọi giấy phép sau đó cũng không có hiệu lực. 

Như vậy, người mua nhà được quyền đòi lại số tiền mà họ đã đóng cho TTC Land theo điều khoản bất khả kháng của hợp đồng. 

Thế nhưng khi chúng tôi liên hệ thì phía TTC Land khất trả lời chính thức và luôn khẳng định họ làm đúng, việc xây dựng diễn ra bình thường nên khách hàng vẫn phải thanh toán đúng theo hợp đồng.

"Nếu họ khẳng định làm đúng theo pháp luật thì phải đưa ra một văn bản của Nhà nước cho thấy quyết định hủy bỏ, thu hồi dự án đã không còn hiệu lực nữa. Tuy nhiên TTC Land không đưa ra một văn bản nào nhưng vẫn bắt chúng tôi đóng tiền" - ông Lê khẳng định.

Ngay trong công văn trả lời khách hàng ngày 5/3/2019, phía TTC Land cũng khẳng định vấn đề của dự án mà khách hàng quan ngại có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề pháp lý tồn đọng (đền bù 14 hộ dân). Hiện chủ đầu tư vẫn đang phối hợp làm việc với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước để giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tiến Thắng, Tổng giám đốc TTC Land, cho biết công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn thiện vấn đề pháp lý của dự án. 

Đến nay, chủ đầu tư vẫn tiếp tục công tác thi công xây dựng tại công trường theo đúng giấy phép xây dựng và tiến độ kế hoạch. Do đó, người mua nhà vẫn phải thực hiện theo đúng hợp đồng là đóng tiền theo tiến độ.

Dự án bị thu hồi có được bán?

Trao đổi về tính pháp lý một dự án bất động sản nói chung, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho rằng, chủ trương đầu tư là khởi đầu của một dự án, là cơ sở cho mọi quyết định pháp lý tiếp theo như quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng, huy động vốn... Do đó, khi chủ trương đầu tư bị hủy bỏ hay thu hồi, các vấn đề phía sau cũng không có giá trị. 

"Đây cũng là vấn đề mà nhiều dự án đang mắc phải và chúng tôi sẽ đưa vào nội dung làm việc với UBND TP trong cuộc họp tới" - ông Châu cho biết.

Sau khi nhận được quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án có tên thương mại trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ Charmington Iris (76 Tôn Thất Thuyết, quận 4), Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP đã gửi kiến nghị xem xét lại quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án nói trên (Sabeco HP là liên doanh giữa Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Hiệp Phúc và Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Sabeco từ tháng 3/2016).

Trong khi đó, nguyên nhân thu hồi, theo quyết định do Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến ký nêu rõ cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác, cụ thể là Sabeco "báo cáo không chính xác về pháp lý sử dụng tài sản trên đất của khu đất. Và ý kiến của UBND Q.4 là đất trống, trong khi thực tế vẫn còn 14 hộ dân đang cư ngụ, cần rà soát làm rõ".

Đặc biệt, việc vì sao vẫn còn tồn tại 14 hộ dân trong khu đất, UBND TP cũng yêu cầu "UBND Q.4 báo cáo giải trình nguyên nhân báo cáo không chính xác". Riêng Sở Xây dựng, ngoài việc yêu cầu "xem xét đình chỉ hoạt động xây dựng và thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho dự án theo quy định", UBND TP còn lưu ý sở này khi làm việc với chủ đầu tư cần làm rõ thực trạng mua bán căn hộ...

Còn theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Sabeco đã không báo cáo có nhà ở trên khu đất khi thực hiện hợp tác đầu tư với Hiệp Phúc. Theo cơ quan chức năng, việc vẫn còn tồn tại 14 hộ dân trên khu đất được xem là "tài sản" và Sabeco không có quyền sử dụng toàn bộ "tài sản" này. Đến nay, các cam kết thực hiện các nghĩa vụ về hỗ trợ, bồi thường, di dời 14 hộ dân hiện vẫn đang trong quá trình xử lý của chủ đầu tư dự án.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA):

Mua phải nhà trong dự án vướng pháp lý: Lo đến đau tim ảnh 1

Đề nghị nhanh chóng có kết luận

 Các quyết định thanh tra, kiểm tra các dự án đã tiến hành gần 2 năm, do đó HoREA kiến nghị cơ quan thanh tra nhanh chóng kết thúc và kết luận càng sớm càng tốt.

 Trong đó có những nhóm dự án không có sai phạm phải tháo dỡ ngay cho doanh nghiệp tiếp tục làm.

 Nhóm có sai phạm nhưng chỉ xử lý ở mức bổ sung các thủ tục thì nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung.

 Riêng nhóm vi phạm pháp luật cũng đưa ra phương án xử lý.

 Việc thanh tra càng kéo dài sẽ bất lợi cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Để lâu lãi ngân hàng tăng làm chi phí đầu tư tăng khiến giá bán sản phẩm sau này tăng, dự án không triển khai, nguồn thu cho ngân sách không có và thị trường cũng không có sản phẩm mới.

Ngân hàng không thu giữ chung cư Khang Gia

Tại cuộc họp giữa UBND Q. Tân Phú với Ngân hàng TMCP Nam Á và các đơn vị liên quan chiều 7/3, ngân hàng Nam Á đã đồng ý không thu giữ tài sản thế chấp tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q. Tân Phú) - một phó chủ tịch Q. Tân Phú cho biết như vậy tối ngày 7-3 và cho rằng "việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân mua căn hộ và đang sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự".

UBND quận Tân Phú cũng sẽ báo cáo vụ việc tại chung cư Khang Gia Tân Hương với UBND TP và Ngân hàng Nhà nước để các cơ quan này xem xét và có hướng xử lý tiếp theo.

Trong diễn biến liên quan, Ban quản trị chung cư cho biết nhiều người dân trong chung cư đã thế chấp căn hộ cho ngân hàng khác để vay tiền mà không hề biết chủ đầu tư đã thế chấp dự án trước đó. Hiện nhiều người dân trong chung cư có ý định khởi kiện chủ đầu tư.

Trước đó, Ngân hàng Nam Á thông báo sẽ thu giữ khu đất thế chấp, trùng với khu chung cư Khang Gia Tân Hương khiến dư luận xôn xao.

Tin bài liên quan