Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán

(ĐTCK) Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” đã diễn ra ngày 11/6 tại TP.HCM do NHNN, Bộ Thông tin và truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (NHNN) tổ chức.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực tế không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đang hướng tới sự minh bạch. Càng minh bạch thì càng chống được tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

"Chúng ta cần phải hướng tới xã hội không tiền mặt để được minh bạch, lợi đôi đàng. NHNN giảm được chi phí in tiền. Các doanh nghiệp, cơ quan công sở giảm được chi phí. Còn phía ngân hàng giảm bớt được vận chuyển tiền và cả xe chuyên dụng. Thu – chi của hoạt động ngân hàng được cải thiện khi đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; hiệu quả của NHNN cũng tăng lên", Phó thủ tướng nhận định.

Đối với hoạt động của ngân hàng, theo Phó Thủ tướng, hiện  nguồn thu vẫn phụ thuộc khá nhiều vào tín dụng, có ngân hàng phụ thuộc đến 100% vào tín dụng.

Nhưng trên thực tế, với những ngân hàng nhỏ muốn đẩy mạnh dịch vụ cũng không dễ, bởi quy mô còn nhỏ. Trong khi đó, có nhiều hoạt động dịch vụ gia tăng nguồn thu cần khai thác.

Do đó, ngân hàng cũng cần phải đi bằng nhiều chân, không chỉ với tín dụng mà còn với cả dịch vụ. Phát triển, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng.

Mặt khác, tỷ trọng doanh thu và tỷ trọng lợi nhuận của các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, chính sách về phí cũng phải hết sức hài hóa giữa các bên: ngân hàng, trung tâm thanh toán và người sử dụng.

"Thà chọn tỷ lệ phí thấp mà thu hút được người dùng, còn hơn phí cao mà ít người dùng. Do đó, ngay từ đầu các ngân hàng cũng không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào lợi nhuận thu về. Trước mắt, phải làm sao để thu hút được người dùng, sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong tiếp cận dịch vụ tài chính - toàn diện, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để người dân có thể dễ dàng kết nối. Vì thế, thương mại điện tử cần phải đi liền với thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, thanh toán không tiền mặt cũng có 2 mặt của nó: cả thuận tiện và bất tiện. 

Đối với thanh toán không tiền mặt đòi hỏi có sự tăng trưởng nhanh, tỷ lệ đạt được trong thời gian qua đã có phần cao, song con số chưa lớn.

Do đó, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết phải phổ cập: định hướng tài chính toàn diện để toàn bộ người dần hiểu và sử dụng được dịch vụ này, không ai có thể bỏ lại phía sau, bởi nếu khi sử dụng dịch vụ này một cách phổ biến sẽ rất tích cực cho xã hội. 

Thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam hiện chỉ mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương diện thanh toán; trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia đạt thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới, với tỷ lệ chiếm đến 80% tổng giao dịch. 

Vì vậy, ông Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu trong năm tới tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán. 3 năm tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm tỷ lệ 50% trên tổng phương diện thanh toán.

Do vậy, theo Phó thủ tướng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. 

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán ảnh 1

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, mới đây, có một doanh nghiệp FDI đề nghị được đầu tư 100 triêu USD vào hệ thống POS. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được thì không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành ngân hàng cần làm tốt công tác tuyên truyền: khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua các kênh tuyền thông để chuyển tải thông điệp về thanh toán không dùng tiền mặt tới người dân.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng đã đưa ra một số con số cụ thể chứng tỏ hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học,...).

Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên. Đến cuối tháng 3/2019, đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018). Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. 

Về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

Tin bài liên quan