Ông Sumit Dutta

Ông Sumit Dutta

Mục tiêu tăng trưởng cần nhìn trong trung hạn

(ĐTCK) “Tăng trưởng thấp không phải là vấn đề. Việt Nam cần một quá trình tăng trưởng chậm hơn nhưng phải bền vững. Vấn đề là quá trình thực hiện có đúng hay không thôi”.

Đó là nhận định của ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vừa qua?

Nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhưng rất chậm, trong khi tốc độ phục hồi của Việt Nam so với các nước tương đối tốt.

Việt Nam khi so sánh với những nước khác trên thế giới thì ở trong một hoàn cảnh tốt hơn, bởi trong khi chúng tôi dự kiến Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế 5,2% trong năm 2013 và 5,4% trong năm 2014, thì kinh tế toàn cầu khả năng sẽ chỉ tăng trưởng 5%.

Nếu có lo ngại nào, tôi cho rằng đó là do mọi người kỳ vọng sự phục hồi của Việt Nam quá nhiều và mong chờ một điều kỳ diệu.

Khi mà người dân bắt đầu mở rộng chi tiêu, thay vì tăng cường tiết kiệm thì các công ty sẽ bán được hàng và đây chính là điều Việt Nam còn đang thiếu, khiến tổng cầu ở mức thấp. Vấn đề tiếp theo nằm ở các doanh nghiệp nhà nước và nợ xấu, đó là tình trạng chung tại một số thị trường mới nổi hiện nay.

 

Theo ông, liệu có một kịch bản tăng trưởng kinh tế nào tốt hơn cho Việt Nam?

Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, có nhiều điểm tốt và xấu, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn về dài hạn và ở khía cạnh tích cực hơn như lạm phát thấp, chi phí sản xuất thấp, đồng Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối cao...

Đó là nền tảng tăng trưởng cho tương lai. Hiện tôi không nhìn thấy một kịch bản nào tốt hơn, vì nếu nhà đầu tư không tin vào tương lai, họ sẽ không muốn đầu tư.

 

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận tiến trình tái cơ cấu còn chậm. Ông bình luận gì về việc này?

Mục tiêu quan trọng của quá trình tái cơ cấu kinh tế là nâng cao chất lượng tăng trưởng, chứ không phải tốc độ tăng trưởng.

Vì thế, chúng ta nên quan tâm xem nó có được tiến hành tốt hay không. Nếu tăng trưởng quá nhanh sẽ dễ lặp lại những gì diễn ra trước đây, với hậu quả là nợ xấu như hiện nay. Chính vì vậy, theo tôi, tăng trưởng thấp không phải là vấn đề.

Việt Nam cần một quá trình tăng trưởng chậm hơn, nhưng phải bền vững. Vấn đề quan trọng là chúng ta tiến hành có đúng hay không mà thôi.

 

Vậy theo ông, yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng là gì?

Người tiêu dùng. Điều mà chúng ta thấy là nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư thêm cho hoạt động sản xuất kinh doanh vì phải cân nhắc rất kỹ bài toán lợi nhuận, mà điều này đã kéo dài trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp lúc này có tâm lý chờ đợi.

Vì vậy, nếu chúng ta làm cho mọi người hiểu được kinh tế vĩ mô đã thực sự tốt trở lại thì người tiêu dùng sẽ không thắt chặt chi tiêu, sản xuất - kinh doanh sẽ quay trở lại đà tăng trưởng.

 

Việt Nam có nên tiến hành những chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nền kinh tế, thưa ông?

Việt Nam sẽ phải cân nhắc rất nhiều khía cạnh khi đưa ra chính sách, vì theo kinh nghiệm nhiều nước, chuyện thay đổi chính sách luôn là cả một tiến trình.

Ví dụ như ở Ấn độ hay Indonesia, người dân đang mong chờ thay đổi chính sách, nhưng chuyện đó không thể xảy ra trong một đêm và thực sự khó cho chính phủ, vì họ đang gặp và phải đối mặt với quá nhiều vấn đề.

Vì vậy, theo tôi, miễn là chúng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu và đặt ra những mục tiêu trong trung và dài hạn, như 10 - 20 năm nữa, GDP Việt Nam sẽ như thế nào, thì các chính sách sẽ trở nên ổn định hơn.

 

Hiện tại, VAMC đã mua gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu, ông có lạc quan về hoạt động của công ty này?

VAMC giúp các ngân hàng thương mại nội địa tăng thanh khoản, tạo thêm thời gian để các ngân hàng xử lý sạch các khoản nợ xấu.

Đó là bước đầu tiên, nhưng phần lớn trách nhiệm và nghĩa vụ xử lý vẫn sẽ thuộc về các ngân hàng thương mại.

VAMC đang chứng tỏ được giá trị và sự hữu dụng của mình, nhưng VAMC thực ra không phải và không nên được xem như là giải pháp chính.

Quan trọng nhất là các ngân hàng thương mại sẽ phải rà soát lại chính sách, quy chuẩn kiểm soát rủi ro, chú trọng việc cho vay sao cho có trách nhiệm hơn, nghiêm túc hơn.

 

HSBC có đặt kế hoạch tham gia thị trường mua - bán nợ xấu của Việt Nam?

Nếu coi HSBC là một nhà đầu tư nước ngoài thì HSBC là một ngân hàng hoạt động theo kiểu truyền thống: kiểm soát rủi ro, hạn chế nợ xấu. Chính vì vậy, chúng tôi hài lòng với vị trí bây giờ và sẽ không tham gia thị trường mua - bán nợ xấu.