Mức xử phạt nếu báo cáo kết quả kinh doanh chậm?

Tôi là cổ đông của một DN niêm yết trên TTCK. Đầu tháng 6 vừa qua, cổ đông mới nhận được lời giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ của DN năm 2008. Xin hỏi, pháp luật quy định ra sao về việc DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. Nếu DN báo cáo lâu so với kết thúc niên độ kế toán năm trước thì có chịu hình thức xử lý gì? Để bảo vệ quyền lợi của mình, trong trường hợp này, cổ đông cần làm gì?

Trả lời:

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh là một trong những báo cáo tài chính của DN niêm yết trên TTCK và phản ánh một cách trung thực, khách quan tình hình lãi, lỗ của DN trong năm tài chính.

Khoản 1, Điều 46 của Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết trên Sở GDCK/TTGDCK được ban hành tại Quyết định 15/2007/QĐ-BTC có quy định về chế độ báo cáo thường niên của DN niêm yết trên TTCK như sau: “Công ty phải lập bản báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật cũng như các quy định của UBCK và báo cáo phải được kiểm toán theo quy định tại Điều 48 của Điều lệ này, và trong thời hạn 90 ngày kể từ khi kết thúc mỗi năm tài chính, phải nộp báo cáo tài chính hàng năm đã được ĐHCĐ thông qua cho cơ quan thuế có thẩm quyền, UBCK, Sở GDCK/TTGDCK và cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, DN bạn đã báo cáo không đúng thời hạn theo quy định về chế độ báo cáo thường niên như trên. Do đó, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK thì DN bạn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Ngoài hình phạt trên, DN bạn còn bị buộc phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ báo cáo đối với trường hợp trên theo Khoản 3, Điều 33 Nghị định 36/2007/NĐ-CP.

Việc báo cáo chậm đã hạn chế quyền được thông báo đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường về hoạt động của công ty và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của cổ đông. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên có quyền yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường bằng một văn bản kiến nghị lên HĐQT theo Khoản 3, Điều 13 Quyết định 15/2007/QĐ-BTC để đưa ra thảo luận và thông qua báo cáo tài chính (trong đó có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh) theo Điều 14 Quyết định 15/2007/QĐ-BTC.