Doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đang đẩy mạnh tái cơ cấu

Doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đang đẩy mạnh tái cơ cấu

Muôn nẻo tái cấu trúc doanh nghiệp địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh khó khăn kéo dài buộc các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản phải tiến hành tái cấu trúc bằng mọi cách để có thể tồn tại…

Tái cấu trúc bằng… ngoại lực

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 được tổ chức ngày 21/10/2023 vừa qua của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (mã HPX), không ngoài dự đoán khi nhóm cổ đông mới tới từ Công ty cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát đã đưa 3 nhân sự chủ chốt vào Hội đồng quản trị Hải Phát Invest và Đại hội cũng đã thông qua việc bầu lại Ban kiểm soát mới.

Hải Phát Invest từng tiến hành tái cấu trúc toàn diện vào giai đoạn khủng hoảng tài chính 10 năm trước, song chưa thể thực hiện được cam kết vươn tầm sau khi nhận được sự hỗ trợ của Dragon Capital và thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2018. Tới nay, Hải Phát Invest một lần nữa phải tái cơ cấu, xây dựng lại chiến lược phát triển sau thời gian khó khăn kéo dài liên quan tới kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng bởi thị trường chung.

Tại Đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 4/2023, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hải Phát Invest thừa nhận có những sai lầm trong công tác quản trị tài chính và hệ quả là doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, thị giá cổ phiếu lao dốc...

Cái khó nhất đối với Hải Phát Invest trong thời gian qua nằm ở việc nguồn lực tài chính bị “dàn trải” ở nhiều công ty, nhiều dự án… khiến hoạt động đầu tư kém hiệu quả, nguồn thu sụt giảm mạnh, trong khi thị trường trái phiếu rơi vào tình trạng “đóng băng” thanh khoản và doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thanh toán khi trái phiếu đến hạn. Sau đó, dù đã chủ động cắt giảm nhân sự, chuyển nhượng bớt các dự án cũng như cổ phần tại các công ty thành viên, nhưng điều đó vẫn không giúp Hải Phát Invest giải quyết được khó khăn, buộc phải tìm tới trợ lực bên ngoài như Toàn Tín Phát.

Hải Phát Invest không phải doanh nghiệp duy nhất phải tái cơ cấu bằng… ngoại lực trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va – Novaland (mã NVL) chuyển nhượng Nova F&B (công ty con hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực…) cho đối tác đến từ Singapore để tập trung vào mảng kinh doanh chính là bất động sản cũng cho thấy đây là giải pháp để giải quyết các vấn đề trong tái cấu trúc doanh nghiệp.

Hiện tại, Novaland đã gia hạn thành công với nhiều trái chủ đến năm 2025 và đang tiếp tục nỗ lực giải quyết các vướng mắc về tài chính. Một số dự án lớn của Novaland như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, The Grand Manhattan… đang dần được gỡ vướng pháp lý và nhận được những tín hiệu tích cực.

Dưới áp lực thanh toán các khoản nợ đến hạn, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) cũng lựa chọn việc thương thảo với các đối tác để vay tiền xử lý khủng hoảng. Đến nay, để bù đắp, Phát Đạt lên kế hoạch phát hành khoảng 200 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó chào bán cổ phần riêng lẻ 67 triệu cổ phiếu cho 7 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và chào bán 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Mức giá này vấp phải sự phản đối của cổ đông khi thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu hiện tại (hơn 24.000 đồng/cổ phiếu). Giãi bày với cổ đông, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đặt câu hỏi, trong giai đoạn khó khăn cực độ vừa qua, giá cổ phiếu xuống thấp chỉ 13.000 đồng/cổ phiếu, nhưng phát hành thêm liệu cổ đông có mua vào? Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng siết tín dụng, ông phải đi tìm đối tác để vay tiền trả nợ cũng như duy trì hoạt động Công ty.

“Lúc khó khăn đối tác đã giúp đỡ, cho vay tiền để trả nợ, triển khai dự án... thì giá cổ phiếu mới tăng. Tôi chỉ muốn làm đúng quy định pháp luật, giữ uy tín, nói phải giữ lời và trên hết, doanh nghiệp phải tồn tại thì mới có thể phát triển”, ông Đạt nói.

Quan trọng là phải tồn tại

Hiện tại, vấn đề của các doanh nghiệp địa ốc không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao, mà là năng lực hấp thụ vốn thấp.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, bất động sản là một sản phẩm đặc thù, có giá trị cao, có thể đem thế chấp để vay vốn ngân hàng và doanh nghiệp thường sử dụng ít nợ vay để bảo đảm an toàn tài chính.

Thế nhưng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay cao, đặc biệt là dùng tiền vay đầu tư cho nhiều dự án, dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp có tổng tài sản rất lớn, nhưng nợ cũng lớn không kém. Khi có sự cố, thị trường diễn biến xấu, ngay lập tức dòng tiền bị đứt gãy, doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng.

Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản thực hiện tái cơ cấu bằng mọi cách để có thể tồn tại trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp nêu trên, mà hàng chục doanh nghiệp khác đang phải vật lộn tìm kiếm trợ lực từ bên ngoài để giải quyết khó khăn nội tại.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) đã thông qua triển khai phương án hợp tác phát triển dự án, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần hoặc công ty con đang sở hữu để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính để phát triển dự án khác.

Cụ thể, LDG đề cập tới 2 dự án gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà (Đà Nẵng) do công ty con là Công ty cổ phần Hải Duy làm chủ đầu tư và Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP. Dĩ An (Bình Dương) do Công ty làm chủ đầu tư. Về phương án cơ cấu tài sản, dự án. LGD sẽ hợp tác với các đối tác có năng lực tài chính để phát triển dự án, chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án, cổ phần sở hữu của LDG tại công ty con. Giá trị xác định để hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án, cổ phần không thấp hơn so với giá vốn được ghi nhận bởi LDG.

Hay tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), trong nhiều tháng qua, doanh nghiệp này phải chật vật xử lý hàng loạt vấn đề liên quan tới công nợ mà tự thân doanh nghiệp khó có thể giải quyết được triệt để và một trong những giải pháp đưa ra là đàm phán cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng cách đây không lâu.

Ngoài ra, Hòa Bình cũng huy động “ngoại lực” để tái cấu trúc nợ thông qua phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số vốn có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group kiêm sáng lập Realcom - Cộng đồng phát triển bất động sản Việt Nam, dù tái cấu trúc ở khía cạnh nào thì các doanh nghiệp đều nhằm mục đích hướng đến cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn tiền, tối ưu nguồn lực và động thái này là cần thiết, nhưng không nên “cắt quá sâu” để tránh ảnh hưởng đến “sức khỏe”, nhất là trong thời điểm dễ bị tổn thương như hiện nay.

“Tôi cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi bản chất của tái cấu trúc là sự chủ động điều chỉnh linh hoạt và gia tăng khả năng thích ứng để sống sót trong mọi hoàn cảnh của doanh nghiệp, chứ không đợi đến khi bị dồn vào đường cùng mới tìm cách chữa cháy”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, hiện tại, vấn đề của các doanh nghiệp địa ốc không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao, mà là năng lực hấp thụ vốn thấp. Mở rộng ra các ngành, lĩnh vực khác, đó là vấn đề về hiệu quả kinh doanh nhiều hơn là việc tiếp cận nguồn vốn/tín dụng. “Sự sụt giảm đơn hàng khiến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, từ đó khiến nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư giảm. Do đó, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp lúc này đó là tư duy các chính sách hỗ trợ và nới lỏng tiền tệ như thế nào”, ông Thuân nhìn nhận.

Tin bài liên quan