Đồng JPY hiện đang dao động quanh mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm so với đồng USD.

Đồng JPY hiện đang dao động quanh mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm so với đồng USD.

Mỹ cảnh báo Nhật về đồng Yên

(ĐTCK) Chính quyền Obama vừa sử dụng ngôn ngữ mới để cảnh báo Nhật về việc hạ giá đồng JPY. Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu Nhật không phá giá nội tệ để giành lợi thế cạnh tranh, trong khi Chính quyền Tokyo mới nói đó chỉ là tác dụng phụ của chính sách lấy lại tăng trưởng cho nước này.

Trong báo cáo bán niên về tỷ giá toàn cầu đưa ra hôm thứ Sáu tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ “giám sát chặt chẽ” các chính sách kinh tế của Nhật để đảm bảo rằng, nước này đang thực sự nhằm vào mục đích thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải cố tình làm suy yếu đồng nội tệ một cách có chủ đích. Báo cáo đồng thời nói thêm rằng, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy Nhật Bản hạn chế việc phá giá nội tệ mang tính cạnh tranh.

Báo cáo của Bộ Tài chính dường như là một phần trong chính sách phản ứng của Chính quyền Obama đối với những động thái đang gây ra biến động mạnh trong nền kinh tế Nhật của Thủ tướng Shinzo Abe. Đồng JPY hiện đang dao động quanh mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm so với đồng USD.

Nhiều giờ trước khi cảnh báo tiền tệ được đưa ra, Nhà Trắng vẫn tuyên bố chấp thuận những yêu cầu tham gia các cuộc thương lượng để thiết lập một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương của ngài Abe, bất chấp những phản đối từ ngành ô tô và các ngành khác của Mỹ đang phải đối mặt với cạnh tranh mới đến từ Nhật. Chính quyền Mỹ đang ở vào thế chênh vênh, khi mà vừa phải lo lắng về khả năng Nhật phá giá nội tệ có chủ đích, vừa vẫn phải cố gắng khuyến khích những nỗ lực kích hoạt lại tăng trưởng của Nhật, bởi nhiều năm trước đó Washington đã bày tỏ thất vọng với Tokyo vì đã không hành động đủ để điều chỉnh nền kinh tế.

Cú hạ giá đồng Yên gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng này, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gây sốc các thị trường bằng việc công bố kế hoạch tăng cung tiền hàng loạt. Công bố này đã dẫn đến việc tăng mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác mạnh mẽ trên sàn giao dịch. Đồng USD đã tăng gần 7% so với đồng JPY sau đó, và đã tăng 15% kể từ khi ngài Abe lên nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản hôm 26/12.

Trong những ngày gần đây, các nhà tạo lập chính sách Nhật Bản, trước các khiếu nại và cảnh báo tiền tệ đã liên tục khẳng định rằng, việc đồng JPY giảm mạnh chỉ đơn thuần là tác dụng phụ của chính sách kích thích tăng trưởng, không phải là một mục tiêu của nước này.

“Chúng tôi không có ý định thực hiện một chính sách tiền tệ nhằm vào tỷ giá”, Haruhiko Kuroda, Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật với các chính sách giúp hạ giá đồng JPY, phát biểu tại Tokyo hôm thứ Sáu. Ông nói thêm rằng, các chính sách của Ngân hàng Trung ương đều nhằm vào việc kéo nước Nhật ra khỏi sự suy giảm kéo dài, và để “đạt các mục tiêu mà cuối cùng sẽ đem đến hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế thế giới”.

Khi mà thế giới đang chật vật để tăng trưởng, chính sách hạ giá đồng nội tệ nhằm kích thích xuất khẩu trở thành “cám dỗ” với các nhà điều hành. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tìm cách kích thích nền kinh tế của mình bằng cách bơm thêm tiền mặt vào hệ thống. Ngược lại, tại các thị trường mới nổi, những khoản tiền lớn từ những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao lại được đổ vào mạnh mẽ gây áp lực lên đồng nội tệ và khiến cho việc xuất khẩu của các nước này trở nên đắt đỏ hơn.

Báo cáo cũng đồng thời chỉ trích Trung Quốc về việc tái can thiệp thị trường “trên quy mô lớn” để hạ giá Nhân Dân Tệ và gọi đó là một cách phát triển có vấn đề, mặc dù trước đó Mỹ đã tạm thời dừng việc xếp Trung Quốc vào những nước thao túng tiền tệ để tránh phá hoại mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đồng Yên nhanh chóng tăng giá trở lại sau báo cáo của Mỹ, kéo đồng USD hạ xuống còn 98,08 JPY, mức thấp nhất trong tuần qua chỉ trong đúng một buổi chiều hôm thứ Sáu. Một quan chức Nhật hôm thứ Bảy từ chối bình luận trực tiếp về báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, nhưng ông này nói rằng, “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo đúng” những cam kết gần đây của các nhà tạo lập chính sách tài chính toàn cầu.