Mỹ: CPI tăng ​​4,9% trong tháng 4

Mỹ: CPI tăng ​​4,9% trong tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng chậm hơn dự kiến ​​4,9% trong tháng 4

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS) hôm nay (10/5), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 4,9% so với năm trước. Con số này cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 3 so với tháng trước, nhưng chậm lại so với mức tăng 5% (so với năm trước) của tháng 3.

Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi (CPI lõi) - loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng - tăng 0,4% so với tháng trước và 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ hơn so với mức 5,6% trong tháng 3.

Chỉ số CPI đã hạ nhiệt đáng kể kể từ khi đạt đỉnh khoảng 9% vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm là 2% của Fed. Lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp những nỗ lực của Fed nhằm làm chậm đà tăng của giá cả. Bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed đã đưa ra 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 5%, đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi 5% - 5,25% và là mức cao nhất trong gần 16 năm.

Fed đã tăng lãi suất để cố gắng kiểm soát lạm phát, nhưng ngân hàng trung ương có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái bằng cách tăng lãi suất quá cao và quá nhanh. Tuần trước, Fed đã ám chỉ rằng họ có thể tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra vào tháng 6, mặc dù Chủ tịch Fed ông Jerome Powell lưu ý rằng họ "sẵn sàng làm nhiều hơn" nếu cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa.

Báo cáo này cũng cung cấp cả tin tốt và tin xấu về lạm phát khi các quan chức Fed cân nhắc động thái tiếp theo về lãi suất.

Yếu tố làm chi phối các quyết định của Fed là thị trường việc làm, bởi thị trường này đã có dấu hiệu phục hồi, mặc dù chi phí đi vay tăng vọt. Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 253.000 việc làm vào tháng 4, vượt xa mức dự báo là 180.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%.

Các chuyên gia tin rằng, căng thẳng kinh tế có thể buộc Fed phải tạm dừng việc thắt chặt chính sách tại cuộc họp sắp tới, mặc dù họ lưu ý rằng giá cả vẫn đang tăng quá nhanh.

“Khi lạm phát còn lâu mới được kiểm soát, lý do cho mức độ cắt giảm lãi suất mà các nhà đầu tư đang hy vọng sẽ đến từ suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng bắt nguồn từ trần nợ, các ngân hàng khu vực hoặc một số sự kiện thiên nga đen khác”, Lisa Shalett, chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết.

"Những gì họ cần là nới lỏng đáng kể thị trường lao động và trong khi thị trường này đã dịu đi một chút, họ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu nới lỏng cần thiết để phù hợp với yêu cầu lạm phát một cách bền vững", Bob Elliott, Giám đốc điều hành tại Unlimited Funds nhận định.

Các nhà đầu tư sẽ có cơ hội thấy rõ hơn bức tranh lạm phát khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) mới nhất được công bố vào thứ Năm (11/5).

Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa khá hưng phấn sau dữ liệu lạm phát mới công bố, với Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 157 điểm tương đương 0,47%, chỉ số S&P 500 tăng 29 điểm tương đương 0,71% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 116 điểm tương đương 0,96%.

Tin bài liên quan