Mỹ, IEA kêu gọi các quốc gia châu Á đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng

Mỹ, IEA kêu gọi các quốc gia châu Á đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (12/7), Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi các quốc gia châu Á đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng và khoáng sản quan trọng để không phụ thuộc vào một số ít quốc gia.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt đối với Nga, sẽ thúc đẩy các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương tập trung hơn vào việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi khu vực này phải rời bỏ việc phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ năng lượng mặt trời và các quốc gia Cộng hòa Dân chủ Congo và Nga về các nguyên liệu quan trọng cần thiết cho xe điện và pin.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chúng tôi không phải là quốc gia phụ thuộc của các nhà độc quyền về dầu khí, của những người không chia sẻ giá trị của chúng tôi, hoặc những người muốn kiểm soát các khía cạnh chiến lược của chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết tại Diễn đàn Năng lượng Sydney do chính phủ Úc và IEA đồng tổ chức.

Giám đốc Điều hành IEA Birol cho biết, Trung Quốc chiếm 80% chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ năng lượng mặt trời và đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 95%.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, cần tránh dựa vào một quốc gia cho bất kỳ công nghệ hoặc nhiên liệu đơn lẻ nào, vì đã rút ra bài học đó từ việc mất nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

“Tôi lo rằng, Trung Quốc đã tham gia rất nhiều vào công nghệ và chuỗi cung ứng có thể khiến chúng ta dễ bị tổn thương nếu chúng ta không phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình. Từ quan điểm an ninh năng lượng, các quốc gia cần phải tự phát triển chuỗi cung ứng không chỉ vì khí hậu mà còn vì an ninh năng lượng của chúng ta”, bà Granholm cho biết.

Về phía cung cấp năng lượng, ông Birol cho biết, bất kỳ ai có kế hoạch đầu tư lớn vào nhiên liệu hóa thạch mới sẽ chỉ đi vào hoạt động trong vài năm tới cần phải xem xét rủi ro khí hậu và rủi ro kinh doanh đối với các nhà đầu tư khi thế giới chuyển sang năng lượng sạch hơn.

“Chúng ta phải giảm nhu cầu về khí đốt, than và dầu nếu muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu”, ông Birol cho biết.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và Bộ trưởng Năng lượng Úc Chris Bowen hôm thứ Ba (12/7) đã ký một thỏa thuận để hai nước cùng hợp tác nghiên cứu năng lượng, bao gồm giảm chi phí lưu trữ năng lượng dài hạn và máy điện phân để sản xuất hydro.

Tin bài liên quan