Mỹ tăng thuế với cá tra Việt Nam: Tổn thương DN lớn, cơ hội cho DN nhỏ

Mỹ tăng thuế với cá tra Việt Nam: Tổn thương DN lớn, cơ hội cho DN nhỏ

(ĐTCK) Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bất ngờ tăng thuế chống bán phá giá với sản phẩm phi lê cá tra, Việt Nam, với mức thuế mới cao hơn từ 20 - 45 lần so với mức hiện tại đang đặt nhiều DN chế biến thủy sản xuất khẩu trước tình thế hết sức khó khăn.

Mỹ tăng thuế với cá tra Việt Nam: Tổn thương DN lớn, cơ hội cho DN nhỏ ảnh 1Mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp cho sản phẩm cá tra của AGD là 1,81 USD/kg

 

DN đầu ngành ảnh hưởng lớn

Con bài “chống bán phá giá” của Hiệp hội Các nhà nuôi cá nheo Mỹ lần này nhắm vào những DN đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam như CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG); CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC); CTCP Thủy sản Việt An (AVF); CTCP Thủy sản An Giang Afiex; Cadovimex II…

Việc tăng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi lê cá tra, cá ba sa là một đòn giáng mạnh vào các DN trong ngành sau một năm các DN này phải vật lộn với nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, nguồn cung nguyên liệu không ổn định, trong khi giá xuất khẩu tiếp tục suy giảm. Với mức thuế như vậy, các DN sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh và đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu tiếp tục xuất khẩu. Việc tìm thị trường đầu ra thay thế khó có thể nhanh chóng, trong khi thị trường lớn thứ hai là EU vẫn khó khăn, khi nhu cầu sụt giảm ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Với HVG, khi bị áp mức thuế 0,77 USD/kg, Công ty không thể trực tiếp xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhưng có thể xuất khẩu thông qua CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), nơi HVG đang nắm 51% cổ phần, nên có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn của chính sách thuế này là không nhiều. Nhưng hầu hết các DN còn lại bị DOC áp mức thuế từ 0,77 USD/kg trở lên đều đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là CTCP Thủy sản Gò Đàng (AGD) khi mức thuế chống bán phá lên tới 1,81 USD/kg. Với VHC, mức thuế 0,19 USD/kg cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến biên lợi nhuận, khi Công ty đang đứng đầu về giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

 

Cơ hội gia tăng thị phần đối với DN nhỏ

Nếu như mức thuế chống bán phá giá mới tăng cao so với trước kia đang là rào cản lớn đối với các DN lớn về xuất khẩu cá tra, thì đây có thể là cơ hội để tăng tốc đối với những DN xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê không nằm trong danh sách áp thuế của DOC, như CTCP Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang (ACL), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT)…, hay những công ty chịu mức thuế suất thấp như AGF, với 0,02 USD/kg.

AGF đang tăng cường sản lượng để phục vụ xuất khẩu trong năm nay. Dự kiến, khả năng doanh thu thuần trong năm 2013 của Công ty tăng trưởng khoảng 10%, tương ứng với 3.216 tỷ đồng; lợi nhuận đạt khoảng 40,7 tỷ đồng. Năm 2012, AGF đứng thứ ba trong top các công ty có doanh thu xuất khẩu cá tra lớn nhất vào thị trường Mỹ, với doanh số 42,3 triệu USD. 

Còn ACL hiện có công suất chế biến 25.000 tấn cá thành phẩm/năm. Dự kiến, với khả năng chạy 100% công suất, doanh thu thuần của ACL năm nay có thể tăng trưởng 10%, tương ứng 1.135 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 25 - 30 tỷ đồng. Năm 2012, giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Công ty đạt 13,1 triệu USD; góp phần đem lại doanh thu thuần 1.032 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 15,3 tỷ đồng.

IDI dù không phải là công ty lớn trong ngành xuất khẩu cá tra, tuy nhiên, với lợi thế thuế suất chống bán phá giá là 0% đối với thị trường Mỹ đã mở ra cơ hội lớn đối với kỳ vọng tăng trưởng của DN. IDI đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy tại CCN Vàm Cống, với công suất thiết kế là 60.000 tấn/năm và mới chỉ hoạt động ở mức 50% công suất. Quý IV/2012, IDI lãi ròng gần 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011, Công ty lỗ 17 tỷ đồng. Nguyên nhân được giải trình là do giá cá tra nguyên liệu giảm từ 18 – 20% so với cùng kỳ, khiến lãi gộp của Công ty tăng mạnh trong kỳ. IDI có công suất thiết kế cao, nên có khả năng gia tăng sản lượng cao hơn ACL khi thị trường xuất khẩu có chuyển biến tốt. Dự kiến, doanh thu của IDI sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2013 nhờ chiếm lĩnh thêm thị trường Mỹ và thị trường châu Âu phục hồi. Kế hoạch đạt được mức tăng trưởng doanh thu 20% là khả thi, nhờ các lợi thế hiện có của Công ty. Tỷ suất lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ giữ nguyên như hiện nay khi giá bán và giá nguyên liệu được dự đoán sẽ không có nhiều biến động. Chi phí tài chính sẽ giảm đáng kể do mặt bằng lãi suất của năm 2013 đã giảm đáng kể và tỷ lệ vay nợ của Công ty không tăng nhiều. Với các dự phóng trên, lợi nhuận dự kiến năm 2013 của IDI là 65 tỷ đồng và mức thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) ở mức 1.710 đồng; mức PE dự phóng của IDI sẽ ở mức 3,8, đây là mức khá thấp so với các công ty đang niêm yết.

Mỹ tăng thuế với cá tra Việt Nam: Tổn thương DN lớn, cơ hội cho DN nhỏ ảnh 2