Mỹ tin vào chính sách đồng USD mạnh

Khi trả lời báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại Nhật từ 7 - 9/7, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã nói rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển không như mong muốn và chính quyền của ông tin tưởng ủng hộ chính sách đồng đôla mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh của 8 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu thế giới (gồm Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh, Mỹ, Canada, Nga) lần này ngoài những vấn đề chính trị, kính tế của 8 nước, các nguyên thủ sẽ tập trung vào việc giá dầu, giá lương thực tăng cao, trong đó có vấn đề "sức khỏe" của đồng đôla.

 

Trao đổi với Thủ tướng Nhật,Yasuo Fukuda, Tổng thống Bush thừa nhận kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, "đi ngược lại những gì chúng ta muốn”.

 

Kinh tế Mỹ đang phát triển chậm lại, nhiều dấu hiệu suy thoái đã lộ rõ, và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới.

 

Đồng đôla đã sụt giảm đến hơn 30% so với đồng euro trong vài năm trở lại đây. Một dấu hiệu thấy rõ nữa về sự ảm đạm của nền kinh tế là Bộ Lao động Mỹ vừa đưa ra thông báo cho thấy số người mất việc trong tháng 6 lên tới 62.000 lao động. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp tỉ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng. Việc làm bị mất chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất hàng hoá, xây dựng và dịch vụ.

 

Thực chất việc duy trì chính sách đồng tiền mạnh mà chính quyền Tổng thống Bush ủng hộ là con dao hai lưỡi.

 

Một mặt, đồng đôla mạnh cho phép Chính phủ Mỹ vay nợ với chi phí thấp, thu hút đầu tư bằng USD, giúp trang trải thâm hụt ngân sách và giữ lãi suất ở mức thấp và cũng cho phép người Mỹ chi tiêu nhiều hơn khả năng thực tế (chi tiêu của nước Mỹ bằng 80% tiết kiệm hiện có của thế giới).

 

Hơn nữa, không phải tất cả các doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi do giá đôla cao. Khi USD tăng, cổ phiếu của Mỹ luôn được giá hơn so với cổ phiếu nước ngoài. Chẳng hạn như, mỗi khi USD tăng giá thì cổ phiếu của ngành công nghiệp hoá chất và xe hơi Mỹ đều tăng theo... Ngoài ra, đôla mạnh góp phần giảm giá nhập khẩu và giữ lạm phát ở mức thấp. Điều này khuyến khích các hãng tăng khả năng cạnh tranh, vượt qua bất lợi do tỷ giá hối đoái thay đổi gây ra.

 

Nhiều công ty của Mỹ lại cho rằng, chính sách đồng đôla mạnh đã và đang làm tổn hại khả năng cạnh tranh của hàng hoá Mỹ. Việc đồng đôla giảm giá có thể làm tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Mỹ.

 

Trên thực tế đôla đang liên tục bị trượt giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Khi đồng đôla mất giá, về ngắn hạn, việc xuất khẩu hàng hóa là một món hời đối với ngành công nghiệp Mỹ trong thời điểm khi vừa thoát khỏi tình trạng trì trệ. Đồng USD yếu cũng là một nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ. Các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng USD. Ngoài ra, đồng đôla giảm giá cũng làm cho việc xuất khẩu của nhiều nước bị ảnh hưởng, các nước này sẽ thu được ít ngoại tệ hơn khi xuất khẩu hàng hoá.

 

Nhưng các chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, về lâu dài đồng USD yếu có thể dẫn đến lạm phát, lãi suất tăng cao và suy thoái kinh tế.

 

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện giữ gần hai nghìn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, nên khi đồng USD mất sức hấp dẫn, họ sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn, khiến kinh tế Mỹ suy thoái. Hơn nữa, đồng USD mất giá ở mức độ nghiêm trọng sẽ làm cho Mỹ nghèo hơn về kinh tế và yếu hơn về chính trị.

 

Như vậy, đôla mạnh hay yếu đều có mặt lợi và không lợi cho các công ty cũng như ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

 

Chính quyền của Tổng thống Bush ít nhiều đang phải hứng chịu những áp lực từ các nước xuất khẩu hàng hoá yêu cầu giữ ổn định chính sách đồng đôla yếu, nhưng mặt khác lại đang đối diện với việc đồng đôla yếu đi đang tác động đến việc giá dầu thế giới liên tiếp lập kỷ lục mới từ đầu năm đến nay, cùng với đó là giá lương thực thực phẩm tăng cao.

 

Tuy nhiên, Tổng thống Bush tin tưởng vào sự tăng trưởng kinh tế sẽ giúp hồi phục lại sức khoẻ của đồng đôla.

 

Với gói giải pháp hỗ trợ kinh tế trị giá 152 tỷ đôla mà chính phủ đưa ra cùng với việc Quốc hội Mỹ đồng ý cải cách những chính sách của thị trường nhà đất và mở cửa Vùng trú ẩn quốc gia của động vật hoang dã ở Bắc cực (Arctic National Wildlife Refuge) và thềm lục địa (Outer Continental Shelf) để khoan thăm dò và khai thác dầu mỏ, Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại.