Na Uy tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản để đẩy mạnh kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (22/6), Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges) đã đẩy nhanh việc tăng lãi suất và cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường phản ứng với lạm phát dai dẳng và đồng tiền yếu.
Bà Ida Wolden Bache, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy

Bà Ida Wolden Bache, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy

Norges đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 50 điểm cơ bản lên 3,75%, khiến đồng krone có mức tăng lớn nhất trong hai tuần. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 của Na Uy kể từ tháng 9/2021.

Các quan chức cho biết, lãi suất “rất có thể sẽ được tăng thêm vào tháng 8” và dự đoán về lãi suất cho vay sẽ đạt mức cao nhất là 4,25% vào cuối năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách của Na Uy đã lựa chọn hành động quyết liệt hơn để hạn chế đà tăng của giá tiêu dùng vào thời điểm mà dữ liệu gần đây cho thấy các hộ gia đình và công ty nước này vẫn tương đối kiên cường trước chi phí cao hơn.

Điều này cũng làm gióng lên hồi chuông cảnh báo mới giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu về những nguy cơ do lạm phát bất khả kháng gây ra. Dù đã tăng lãi suất nhiều hơn so với Norges, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell cho biết, cơ quan này có thể tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới, mặc dù với tốc độ vừa phải.

Thống đốc Norges, bà Ida Wolden Bache cho biết: “Nếu chúng ta không tăng lãi suất chính sách, giá cả và tiền lương có thể tiếp tục tăng nhanh và lạm phát trở nên nghiêm trọng. Sau đó, việc giảm lạm phát trở lại có thể trở nên tốn kém hơn”.

Việc Norges tăng lãi suất cũng trùng với thời điểm mà các ngân hàng trung ương lớn khác đưa ra quyết định lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã tăng 25 điểm cơ bản và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách cùng ngày.

Tuyên bố của Norges cho biết: “Tăng trưởng tiền lương cao hơn và đồng krone yếu hơn so với dự kiến trước đó sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Nếu đồng krone trở nên yếu hơn so với giả định hoặc áp lực trong nền kinh tế vẫn tiếp diễn, thì có thể cần phải có một mức lãi suất chính sách cao hơn dự kiến”.

Tin bài liên quan