Hệ thống kho chứa của Nam Sông Hậu được đầu tư hiện đại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống kho chứa của Nam Sông Hậu được đầu tư hiện đại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Sông Hậu (PSH): Đẩy mạnh thêm bán lẻ, phát triển 500 cây xăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, Nam Sông Hậu sẽ đưa 4 dự án trọng điểm đi vào hoạt động, tự tin lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, nếu đạt được sẽ là con số kỷ lục từ khi thành lập. Đồng thời, Công ty cũng chú trọng phát triển thêm cây xăng để tập trung thêm cho bán lẻ, tăng hiệu quả kinh doanh.

“Đại gia xăng dầu miền Tây” - CTCP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán PSH) đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu thuần 10.964 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế 356 tỷ đồng, trong khi năm 2022 ghi nhận lỗ 234 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, đây sẽ là mức lãi kỷ lục mà PSH thực hiện được kể từ khi thành lập.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Dầu khí Nam Sông Hậu hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu và LPG lớn nhất. Công ty đang sở hữu đội vận tải xăng dầu tương đối toàn diện, gồm hệ thống tàu biển, sà lan và các xe bồn. Bên cạnh đó, Công ty có cảng tiếp nhận xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn với trọng tải tới 80.000 DWT.

Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo Nam Sông Hậu, năm 2022 đã có cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần, giúp giảm thiểu rủi ro chênh lệch với giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tiếp tục tăng trưởng, cùng nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng được dự báo tăng trưởng ổn định đến năm 2025. Tới năm 2025, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu từ mỏ tại Việt Nam lên tới 4% trung bình hàng năm.

Tuy vậy, môi trường ngày càng cạnh tranh với sự gia tăng của các doanh nghiệp tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu; giá xăng dầu chưa thực sự theo cơ chế thị trường, dù có được điều chỉnh nhưng không tương ứng với giá thế giới. Ngành công nghiệp dầu khí cũng đang gặp khó khăn với ảnh hưởng hậu Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Chia sẻ với cổ đông về chiến lược kinh doanh, ông Mai Văn Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam Sông Hậu nhận định, đến cuối giai đoạn 2023 - 2024, tình hình phân phối kinh doanh xăng dầu sẽ được cải thiện nhờ các chính sách mới của Bộ Công thương cũng như Bộ Tài chính nhằm loại bỏ các rủi ro gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Riêng quý đầu năm 2023, Nam Sông Hậu ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ với doanh thu thuần đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 159%, ghi nhận 363 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Công ty lãi ròng xấp xỉ 199 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi kỷ lục từng đạt được trong một quý của doanh nghiệp.

Với kết quả này, Nam Sông Hậu đã hoàn thành được 35% mục tiêu về doanh thu và 56% mục tiêu về lợi nhuận năm nay.

Sẽ đưa 4 dự án trọng điểm vào hoạt động năm 2023

Theo kế hoạch, các dự án trong năm 2022 của Nam Sông Hậu hiện đã đưa vào hoạt động 3 dự án.

Dự án kho cảng Gò Công hiện đã tiếp nhận tất cả tàu xăng dầu có trọng tải dưới 50.000 tấn.

Dự án kho cảng Gò Công hiện đã tiếp nhận tất cả tàu xăng dầu có trọng tải dưới 50.000 tấn.

Đầu tiên là dự án kho cảng Gò Công (tên chính thức là Tổng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước) đã chính thức đi vào hoạt động, hiện đã tiếp nhận tất cả tàu xăng dầu có trọng tải dưới 50.000 tấn về cảng để phân phối cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, Nam Sông Hậu đã mua cổ phần của CTCP Thương mại Hiệp Phước, với trị giá thương vụ là 18 triệu USD (hơn 423 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, Công ty đã trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt mở rộng dự án, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Công ty tiến hành đầu tư nâng cấp kho có sẵn 66.800 m3 và xây dựng đường ống ngầm, cảng phao 50.000 tấn.

Công ty đã hoàn thành và đủ điều kiện hoạt động theo quy định, được Cục Hàng hải Việt Nam ban hành quyết định mở Bến phao Nam Sông Hậu Petro trên sông Soài Rạp và Tổng cục Hải quan ban hành quyết định về việc hoạt động trở lại kho ngoại quan xăng dầu Hiệp Phước (bồn B-02 sức chứa 21.400 m3, bồn B-03 sức chứa 12.000 m3).

Giai đoạn 2, Công ty tiếp tục đầu tư kho chứa dầu thô theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035; đồng thời đầu tư nhà máy condensate 500.000 tấn theo chủ trương đầu tư của Bộ Công thương và quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang.

Dự án thứ hai là Khu đô thị phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang, đã quyết toán và hoàn thành. Nam Sông Hậu đang tạo nguồn vốn cho khách hàng có sở hữu được vay từ ngân hàng để mua trong Khu công nghiệp Đông Phú đã hoàn thành cách đây 4 tháng.

Thứ ba, dự án lúa nông nghiệp hữu cơ đã đưa vào hoạt động từ tháng 2/2023 và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, Nam Sông Hậu còn bán lúa, gạo sản xuất trong nước nên hiệu quả vẫn chưa cao so với xuất khẩu.

Với dự án 75.000 tấn kho chứa xăng dầu dự trữ quốc gia tại tại thị trấn Mái Dầm, hiện đã hoàn thành 90%. Công ty có kế hoạch sử dụng các thiết bị châu Âu nhưng do ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga - Ukraine khiến việc đặt hàng chậm hơn dự kiến, từ 2 tháng tăng lên 3 - 4 tháng. Dù vậy, Công ty quyết tâm đến tháng 10/2023 sẽ đưa cảng 15.000 tấn và kho 75.000 tấn vào hoạt động.

Công ty hiện có 7 dự án và đến tháng 10/2023 sẽ có 4 dự án trọng điểm đưa vào hoạt động. Chỉ còn 3 dự án là Khu du lịch Phong Điền, đang chờ Nhà nước xử lý giá nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu tháng 7 được chấp thuận chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại - dịch vụ, khoảng tháng 4/2024 sẽ đưa vào hoạt động.

Chia sẻ về mục tiêu phát triển phân phối xăng dầu trong tương lai, lãnh đạo Nam Sông Hậu cho biết, cuối 2023 - 2024, tình hình phân phối sẽ sáng sủa hơn. Nhà nước có chính sách không để ngành xăng dầu phải lỗ để hỗ trợ kinh tế ổn định, mà có phương pháp khác. Bên cạnh đó, chủ trương của Công ty là sẽ sáp nhập một số doanh nghiệp chưa đạt đủ tiêu chuẩn phát triển ổn định tình hình xăng dầu.

Riêng Nam Sông Hậu có định hướng khác. Trước đây, Công ty chỉ được phép phát triển từ TP.HCM về mũi Cà Mau, nhưng giờ dự kiến đi theo hướng bán lẻ là chủ yếu, do đó sẽ theo đường hướng của Petrolimex là phát triển đến khi nào đạt 500 cây xăng, đủ nhà máy sản xuất 500.000 tấn/năm để đáp ứng sức cầu thị trường. Khi có cây xăng, Công ty không cần bán qua đại lý và không mất chiết khấu.

Tin bài liên quan