Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ của các ưu tiên ESG để tạo sự khác biệt trên thị trường vốn và lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ của các ưu tiên ESG để tạo sự khác biệt trên thị trường vốn và lao động.

Năm yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia của PwC đã đưa ra nhận định về tác động của 5 xu hướng lên nền kinh tế Việt Nam cũng như các khuyến nghị nhằm tăng năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Chuỗi cung ứng

Sự gián đoạn thời gian qua cho thấy sự cần thiết phải cân bằng lại các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hướng tới các mạng lưới khu vực đa dạng hơn. Hơn nữa, chi phí tăng và các khung pháp lý phát triển ở nhiều thị trường đang dẫn đến việc các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và cơ sở sản xuất.

Mặc dù việc sắp xếp lại các nguồn cung ứng khu vực bằng cách xây dựng chiến lược “Trung Quốc + 1” là một cách thức ngày càng phổ biến, điều này cũng tạo thêm những thách thức do mức độ phát triển của mỗi chuỗi cung ứng trong khu vực là khác nhau.

Sự phân tách có chủ ý của chuỗi cung ứng ở châu Á - Thái Bình Dương tạo nên các khung hoạt động và sự phức tạp mới cho việc quản lý các vấn đề của mỗi quốc gia - từ việc định hướng cơ sở hạ tầng hậu cần đến sức mạnh của bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) đối với độ tin cậy của các nhà cung cấp địa phương.

Hiện tại, Việt Nam là một điểm đến nổi bật để di dời chuỗi cung ứng, nhưng cũng đang gần đến giới hạn của việc chuyển đổi (tỷ lệ thất nghiệp 2,6% của Việt Nam vào năm 2022 thấp hơn một nửa con số 5,7% của châu Á - Thái Bình Dương).

Điều này đang tạo ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á khác đầu tư thông qua các phát triển cơ sở hạ tầng và hoạch định chính sách giúp việc tiến hành kinh doanh xuyên biên giới dễ dàng hơn.

Tăng trưởng doanh nghiệp trong khu vực

Sau nhiều thập kỷ với mức tăng trưởng trên mức trung bình và thu được lợi nhuận đáng kể, châu Á - Thái Bình Dương hiện đang đứng trước những lựa chọn mới. Các công ty trong khu vực (bao gồm cả các công ty tư nhân) đang tái cơ cấu lại mô hình hoạt động kinh doanh của họ thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), thay vì tăng trưởng hữu cơ để nhanh chóng tạo nên sự khác biệt trong cạnh tranh hoặc đơn giản hóa danh mục đầu tư của họ. Số lượng thương vụ M&A ở khu vực này đã tăng hơn 3,5 lần trong 16 năm qua.

Mặc dù hoạt động M&A ngày càng sôi nổi, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần một nửa số thương vụ được phân tích ở khu vực này đã bị giảm sút giá trị và/hoặc hoạt động kém hiệu quả hơn so với các công ty cùng ngành: 41% bên mua và 63% bên thoái vốn đã hoạt động kém hơn so với các công ty cùng ngành trong khoảng thời gian 10 năm. Với tình hình này, các giao dịch đang trở nên phức tạp hơn để xác định, thiết lập và thực hiện.

Cần xem việc tạo ra giá trị là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là vào thời điểm mà công ty không thể dựa vào các điều kiện hoạt động khác để thúc đẩy giá trị. Nó đòi hỏi phải xây dựng khả năng phục hồi và xem xét toàn bộ các yếu tố thúc đẩy giá trị - không chỉ các yếu tố truyền thống về kỹ thuật tài chính và vận hành (bao gồm cả phân tích lợi ích về thuế).

Việc tập trung vào các điểm mạnh then chốt sẽ giúp các bên giao dịch tiết kiệm thời gian và tập trung đầu tư vào các yếu tố có giá trị của thương vụ: gọi là “thương vụ chuyển đổi”. Theo đó, các bên sẽ tận dụng các điểm mạnh của nhau để cùng thúc đẩy giá trị. Ví dụ, để tăng tốc quá trình số hóa mô hình kinh doanh, có thể tiến hành thương vụ mua lại các công ty đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong mô hình phân phối, thiết kế trải nghiệm khách hàng, cũng như là áp dụng các công nghệ tiên tiến khác.

Kinh tế số

Ở châu Á - Thái Bình Dương, 79% CEO đang thay đổi trọng tâm đầu tư của họ trong 3 năm tới sang chuyển đổi kỹ thuật số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải hành động ngay bây giờ để nắm bắt cơ hội, cụ thể là bằng cách áp dụng các chức năng và công nghệ kỹ thuật số vào các phần hành quan trọng nhất của chuỗi giá trị - vào đúng trọng tâm và đúng thời điểm.

Mặc dù vậy, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ không phải là một giải pháp chung cho tất cả, mà phụ thuộc rất nhiều vào khẩu vị đầu tư, kỹ năng kỹ thuật số và các hạn chế trong hoạt động của doanh nghiệp.

Số hóa cho phép doanh nghiệp mang đến các đề xuất giá trị khác biệt cho khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên. Theo dự đoán, đến năm 2023, cứ 3 doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có 1 doanh nghiệp có khả năng tạo ra hơn 30% doanh thu của họ từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số.

Các chính phủ đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số với vai trò như một đòn bẩy để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và quốc gia nói chung.

Lực lượng lao động

Theo khảo sát lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương của PwC, sự cân bằng quyền lực giữa người lao động và người sử dụng lao động đang thay đổi. Các nhân viên mong muốn được làm một công việc có ý nghĩa hơn, được có thể là chính mình trong công việc và được làm tại các tổ chức mà họ có thể tin tưởng.

Họ quan tâm đến nhiều giá trị khác bên cạnh việc được trả lương xứng đáng. Trong dài hạn, tăng lương không còn là giải pháp duy nhất trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài. Các nhân viên mong muốn có được sự minh bạch, công bằng và linh hoạt hơn trong công việc.

Với bốn thế hệ hiện đang tham gia lực lượng lao động, các nhà tuyển dụng phải đối mặt với nhiều thử thách hơn để thấu hiểu và đáp ứng các kỳ vọng khác biệt của nhân viên.

Với 1/3 số nhân viên có kế hoạch yêu cầu tăng lương trong 12 tháng tới và 1/5 dự định sẽ chuyển sang công ty khác, những kết quả này – trong bối cảnh các vấn đề đã được vạch ra trước đó trên khắp châu Á - Thái Bình Dương - sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty trên khắp khu vực, nhiều nơi đã phải vật lộn với tình trạng thiếu kỹ năng và nhân lực trong nhiều năm.

Nhà lãnh đạo ngày nay cần đề cao cách thức làm việc lấy con người làm trung tâm với tầm nhìn toàn diện và bao quát, có thể tin tưởng trao quyền cho nhân viên và có khả năng hợp tác và đồng cảm với nhân viên. Các mô hình lãnh đạo truyền thống đã trở nên lỗi thời và không còn hiệu quả.

Môi trường, xã hội và quản trị (ESG)

ESG không chỉ đơn thuần là lựa chọn “nên có” cho các doanh nghiệp trong khu vực. Theo nghiên cứu của PwC, 88% các CEO ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn cam kết thực hiện đạt mục tiêu rác thải ròng bằng 0 (net-zero) hoặc trung hòa các-bon.

Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 cũng cho thấy 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2 - 4 năm tới.

“Ý định tốt” về ESG là chưa đủ, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến việc “xây dựng giá trị”, bằng cách đẩy nhanh tiến độ của các ưu tiên ESG để tạo sự khác biệt trên thị trường vốn và lao động.

Bằng việc kiến tạo những thay đổi có ý nghĩa và đem lại giá trị, ESG chính là kinh doanh thông minh cho một thế giới mạnh mẽ hơn, giúp thúc đẩy các quyết định trên các chuỗi cung ứng, tăng trưởng doanh nghiệp, áp dụng kỹ thuật số, lực lượng lao động, tác động xã hội tổng thể và đầu tư liên quan.

Ngày nay, ESG không chỉ là việc báo cáo bắt buộc nhằm giảm thiểu rủi ro, mà đã được xem như một cơ hội kiến tạo giá trị xuyên suốt chu kỳ kinh doanh.

Một cách công bằng, ESG sẽ mang đến một loạt các khả năng mà công ty có thể tận dụng để phát triển và gia tăng thu nhập. Theo đó, các công ty cần xác định rõ đâu là những điểm còn thiếu sót trong mô hình vận hành và đâu là các khả năng có thể đạt được (chẳng hạn như trong việc khử các-bon, sở hữu trí tuệ và báo cáo hạ tầng). Kế đến, công ty cần xác định thời điểm triển khai các kế hoạch ESG một cách cụ thể, điều này sẽ rất quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải, đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và để giảm thiểu rủi ro tuân thủ.

Tin bài liên quan