Nâng chất lượng báo cáo tài chính, hô hào chưa đủ!

Nâng chất lượng báo cáo tài chính, hô hào chưa đủ!

(ĐTCK) Tại buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cần thiết phải tăng cường công tác giám sát chất lượng báo cáo tài chính (BCTC), để tạo dựng niềm tin cho NĐT trên TTCK.

Quyết tâm cao

Là người kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thấu hiểu vai trò của công tác kế toán, kiểm toán đối với việc quản lý, kiểm soát tài chính của các cơ quan, đơn vị cũng như những tồn tại trong lĩnh vực này.

Chính vì vậy, thông điệp mà vị tư lệnh ngành tài chính đưa ra trong buổi làm việc là trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán và cùng với đó là tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Nhìn lại năm 2013, có thể thấy, vấn đề tăng cường chất lượng công tác kế toán, kiểm toán đã được Bộ Tài chính đặt ra với quyết tâm mạnh mẽ.

Quyết tâm đó thể hiện từ việc ban hành lại hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán; soạn thảo lại hệ thống chuẩn mực kế toán, theo hướng cập nhật những thông lệ kế toán quốc tế mới nhất sau nhiều năm dừng ban hành chuẩn mực; xây dựng các chuẩn mực kế toán liên quan đến công cụ tài chính phái sinh và chế độ kế toán cho khối công ty chứng khoán theo hướng phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của lĩnh vực này..., đến dự thảo quy chế lựa chọn tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán tổ chức niêm yết.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Điểm mới nổi bật của dự thảo Thông tư này là sẽ tăng quyền cho UBCK trong việc kiểm tra chất lượng các DN kiểm toán được chấp thuận.

Theo đó, thay vì đề xuất với Bộ Tài chính danh sách các DN kiểm toán kiểm tra thì cơ quan này được chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán, nhằm kịp thời phát hiện và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Quyết tâm còn được thể hiện ở việc Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu xây dựng mô hình giám sát chất lượng kế toán, kiểm toán theo quy chuẩn quốc tế. Dự án này nhận được sự tài trợ của World Bank (WB), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.

 

Khoảng cách với thực tiễn

Thông điệp chính sách của Bộ Tài chính đã rất rõ ràng, tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, để đạt được mục tiêu đó, không thể trong “ngày một ngày hai”. Có nhiều khó khăn, khoảng cách mà ngành tài chính cần phải vượt qua.

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, tình trạng gian lận BCTC, làm đẹp sổ sách của DN niêm yết không còn là chuyện hiếm. Nhiều sai sót trong hạch toán kế toán đã trở thành những “sai sót thường gặp” của nhóm DN này, ảnh hưởng đến tính chính xác, trung thực của thông tin tài chính đến NĐT, đã được UBCK và Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), hội nghề nghiệp kiểm toán chỉ ra. Không ít sai sót, được các cơ quan này nhận định, là “có sự tiếp tay của kiểm toán viên”.

Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán lại chưa thể hiện đúng vai trò của hàng rào ngăn chặn những sai phạm của các công ty kiểm toán. Thực tế, dù nhiều trường hợp nghi ngờ là có sai phạm, nhưng số vụ xử phạt kiểm toán viên, công ty kiểm toán sai phạm trong năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kỳ kiểm soát chất lượng DN kiểm toán cuối năm nay, theo sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ban kiểm soát chất lượng của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện kiểm tra tại 15 công ty kiểm toán, trong đó chỉ có 3 công ty kiểm toán niêm yết và các công ty này đều có quy mô rất nhỏ, có doanh thu chiếm khoảng 2% tổng doanh thu toàn thị trường. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Có hay không việc “bỏ lớn, bắt nhỏ” trong kiểm soát chất lượng kiểm toán?

Kết quả tổng hợp ban đầu từ đợt kiểm tra này, theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA, có 6 công ty xếp loại đạt yêu cầu, 4 công ty chưa đạt yêu cầu/còn hạn chế và 5 công ty thuộc loại yếu kém. Đáng chú ý, trong số này, có 1 công ty kiểm toán niêm yết bị xếp loại yếu kém. Nhìn lại đợt kiểm soát các năm trước, cũng có những trường hợp DN kiểm toán niêm yết hai năm liền đều không đạt yêu cầu và không khắc phục được các sai sót bị phát hiện trong kỳ kiểm tra năm trước. 

Trước câu hỏi, liệu có việc cơ quan quản lý đã “giơ cao đánh khẽ” với các sai phạm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán, vị chuyên gia kiểm toán nói trên cho rằng, với quy định pháp lý hiện hành rất chặt chẽ, kiểm toán viên rất dễ xảy ra sai sót. “Nếu cứ xảy ra sai sót mà cơ quan quản lý xử phạt nghiêm thì lấy đâu ra người làm?”, vị này thẳng thắn chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện bình quân số khách hàng trên một kiểm toán viên hành nghề là khá lớn, do đó, có sức ép phải hoàn thành báo cáo kiểm toán trong một thời gian ngắn để đảm bảo thời hạn công bố thông tin theo quy định. Mặt khác, cuộc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường khiến giá phí của nhiều hợp đồng kiểm toán không đảm bảo chi phí nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán.

“Việc tăng quyền cho UBCK trong việc kiểm soát chất lượng kiểm toán là cần thiết, nhưng thực hiện được điều này không dễ. Bởi lĩnh vực kiểm toán rất phức tạp, để đánh giá sai phạm hay không, cần sự thẩm định của nhiều chuyên gia giỏi nghề. Trong khi, bộ máy nhân sự kiểm soát chất lượng kiểm toán hiện rất mỏng”, vị chuyên gia nói.   

>> TDH: Xin chậm nộp BCTC soát xét vì chờ văn bản hướng dẫn