Năng lực cho vay khẩn cấp của WB, IMF đang được gia tăng khi khủng hoảng ngày càng sâu sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng cường cho vay trong 2 năm qua khi các cuộc khủng hoảng trên thế giới ngày càng sâu sắc. 
Năng lực cho vay khẩn cấp của WB, IMF đang được gia tăng khi khủng hoảng ngày càng sâu sắc

Lãi suất tăng nhanh chóng đang siết chặt dòng vốn đến các nước nghèo nhất thế giới. Do đó, các giải pháp thay thế được ưu tiên bởi IMF và WB cũng đang nhanh chóng được cam kết.

Ngân sách cho vay của IMF và WB đã đạt kỷ lục khi hai tổ chức này giúp các quốc gia đối phó với đại dịch, chi phí năng lượng tăng cao và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

IMF đã cam kết hỗ trợ 258 tỷ USD cho 93 quốc gia kể từ khi đại dịch bùng phát và thêm 90 tỷ USD cho 16 quốc gia kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản tiền cam kết đã được giải ngân. Vào cuối tháng 9, IMF có dư nợ cho vay kỷ lục 135 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2019 và hơn gấp đôi so với năm 2017.

“Hiện tại, không có cuộc khủng hoảng nào tại thị trường mới nổi và các tổ chức có đủ năng lực để hỗ trợ, nhưng sẽ rất căng nếu chúng ta lao vào vùng nước hỗn loạn hơn. Nếu Trung Quốc đến IMF cần một chương trình hỗ trợ hay Anh hoặc một quốc gia lớn nào đó, đột nhiên họ sẽ bị thiếu tiền”, Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế Harvard và là cựu nhà kinh tế trưởng IMF cho biết.

Trong khi đó, tổng cho vay của WB đã tăng 53% kể từ năm 2019 lên mức kỷ lục 104 tỷ USD vào tháng 9.

Tổng ngân sách cho vay của hai tổ chức có thể tăng lên. Giá năng lượng và lương thực cao hơn do xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng chi phí và kìm hãm nguồn cung cấp lương thực ở các nước nghèo. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng đã làm tăng chi phí của các khoản vay bằng đô la, và buộc nhiều ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi phải tăng lãi suất để hạn chế đồng tiền mất giá và thậm chí tăng giá nhập khẩu.

Theo IMF, có hơn 60% các quốc gia có thu nhập thấp - được xác định là khoảng 70 quốc gia đủ điều kiện cho Sáng kiến trì hoãn thanh toán nghĩa vụ nợ (DSSI) - đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính hoặc có nguy cơ nợ nần cao và đạt mức gấp đôi mức năm 2015.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của IMF cho biết: “Điều này làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng ở những quốc gia này, gây hại cho người dân cũng như sự ổn định tài chính và tăng trưởng toàn cầu”.

Năm nay, 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đang nợ 44 tỷ USD phí dịch vụ nợ cho các bên cho vay song phương và tư nhân, nhiều hơn số tiền họ nhận được từ viện trợ nước ngoài.

Ông David Malpass, Chủ tịch WB cho biết: “Các nghĩa vụ thanh toán nợ đang lấy đi các nguồn lực mà họ sẽ sử dụng cho y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, khí hậu và quan trọng là tăng trưởng”.

Tình trạng căng thẳng của các thể chế một phần phản ánh sự thay đổi trong hành vi của các tổ chức. Trước đây, IMF đã thực hiện các khoản vay ngắn hạn để đổi lấy các cam kết cắt giảm chi tiêu và đại tu chính sách của người nhận. Nhưng trong những năm gần đây, họ đã tìm cách cho vay số tiền cao hơn và cho nhiều quốc gia hơn mà không có điều kiện như vậy, bao gồm cả cho vay khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch.

Mới tuần trước, IMF đã thông qua một chương trình cho vay mới để cung cấp hàng tỷ đô la nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực ở các nước như Ukraine. IMF cũng đang thử nghiệm một chương trình viện trợ phát triển dài hạn được gọi là Niềm tin về khả năng phục hồi và bền vững có thời hạn 20 năm.

IMF cho biết, họ vẫn còn nhiều nguồn lực để cho vay. Năm ngoái, IMF đã phát hành 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các chính phủ thành viên. Đây là đợt phát hành SDR lớn nhất của IMF và là đợt phát hành đầu tiên kể từ năm 2009.

Do đó, bà Georgieva cho biết, tổng khả năng cho vay của IMF là khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó chưa đến một phần ba trong số đó hiện đang được triển khai. “Cả IMF và các ngân hàng phát triển đa phương đều có năng lực tài chính, và chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai”, bà cho biết.

Một số nhà kinh tế muốn IMF tập trung lại các nỗ lực của mình vào việc cho vay ngắn hạn, thay vì hoạt động như một ngân hàng phát triển vốn thiếu nhân sự và chuyên môn.

Danny Leipziger, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học George Washington và là cựu quan chức Ngân hàng Thế giới cho biết: “Giờ đây với khả năng suy thoái toàn cầu và nhiều quốc gia đang gặp vấn đề về thanh toán, họ cần phải quay trở lại chức năng ban đầu của mình. Họ là người cho vay cứu cánh cuối cùng".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong tuần qua đã đề xuất mở rộng hỏa lực cho vay của Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển quốc tế khác. Các đề xuất bao gồm việc cho phép ngân hàng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm bảo đảm và bảo hiểm để khuyến khích các tổ chức cho vay tư nhân cho vay và giải phóng vốn cho các khoản cho vay mới bằng cách chứng khoán hóa các dự án hoặc danh mục đầu tư hiện có của khu vực tư nhân.

“Các nguồn lực sẵn có cho các ngân hàng này rất khan hiếm và phải được sử dụng hiệu quả nhất”, bà Yellen cho biết.

Tin bài liên quan