Đã 10 năm qua, TTCK Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm mới - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Đã 10 năm qua, TTCK Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm mới - Ảnh minh họa: Hoài Nam

NĐT Việt Nam “thèm” sản phẩm mới

(ĐTCK-online) Đã đến lúc cơ quan quản lý TTCK Việt Nam phải thay đổi tư duy để đem đến cho thị trường một luồng gió mới, vì NĐT Việt Nam đang rất "thèm" các sản phẩm mới.

Những ngày vừa qua, nhà đầu tư trong nước tỏ ra quan tâm rất lớn đến TTCK Lào. Nhiều người nói, sẽ bỏ TTCK Việt Nam để tìm cơ hội ở Lào vì cho rằng, TTCK của bạn hấp dẫn hơn do có cách quản lý, tổ chức hiện đại, đặc biệt, là có những sản phẩm mà NĐT Việt Nam đã chờ đợi 10 năm nay nhưng chưa có như cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản, mua bán trong phiên, quy trình thanh toán T+2, IPO gắn với niêm yết, không có "rào cản" hạn chế NĐT nước ngoài rút vốn…

Tất cả những phản ứng và bức xúc ấy của NĐT trong nước cũng chỉ chứng tỏ một điều rằng, NĐT Việt Nam đang rất "thèm" các sản phẩm mới.

Đã 10 năm qua, TTCK Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm mới, có chăng là quy mô thị trường có phình to ra với số lượng công ty chứng khoán và công ty niêm yết tăng thêm. Những tồn tại của TTCK Việt Nam như tình trạng lách luật triển khai các sản phẩm mới của các CTCK dẫn đến rủi ro cho NĐT, tình trạng làm giá, thao túng giá chứng khoán làm méo mó thị trường, tình trạng thiếu minh bạch và công bằng trên TTCK Việt Nam… ngày một phổ biến, khiến cho lòng tin của NĐT vào thị trường ngày càng dao động.

Trong khi đó, hết lần này đến lần khác, cơ quan quản lý hứa sẽ có những sản phẩm mới như T+2, mua bán cùng phiên… đưa đến cho NĐT những tia hy vọng, mà dẫn chứng là thị trường thường tăng mạnh sau những tuyên bố đó. Tuy nhiên, những tia hy vọng này nhanh chóng bị dập tắt khi NĐT chờ mãi nhưng sản phẩm mới thì vẫn… chỉ là lời hứa của cơ quan quản lý.

Vì sao TTCK Lào đi sau Việt Nam cả chục năm lại làm được những việc mà mình không thể làm được? Phải chăng, tâm lý sợ trách nhiệm là nguyên nhân chính khiến các cấp có quyền quyết định không giám triển khai các sản phẩm mới?

Tôi nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý TTCK Việt Nam phải thay đổi tư duy để đem đến cho TTCK Việt Nam một luồng gió mới, dù biết rằng, sửa nhà lúc nào cũng khó hơn là xây nhà mới.

Với những tín hiệu gần đây của cơ quan quản lý, hy vọng rằng, năm 2011, sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý như lời ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nói trên Đầu tư Chứng khoán: "Năm 2011, cơ quan quản lý ưu tiên 'trả nợ' thị trường".

Hy vọng rằng, đây cũng sẽ không còn là một lời hứa nữa.