OceanBank là 1 trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng

OceanBank là 1 trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng

Nên hợp nhất các ngân hàng “0 đồng” thành ngân hàng duy nhất

(ĐTCK) Đến thời điểm này, đã có 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, việc sáp nhập các ngân hàng này làm một nên được tính tới.

Sau nửa đầu năm 2015, nền kinh tế Việt Nam cho thấy những dấu hiệu phục hồi khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp: đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ mạnh khác, khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, suy thoái của TTCK Trung Quốc… Tuy nhiên, có thể khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục đà phục hồi kinh tế, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang được đẩy nhanh và mang lại những kết quả tích cực.

Trong quá trình tái cấu trúc DN, việc mua lại & sáp nhập (M&A) nổi lên như một giải pháp hiệu quả và ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhất là trong ngành tài chính ngân hàng - một lĩnh vực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, đồng thời cũng là một điểm nóng tái cơ cấu theo định hướng của Chính phủ. Vậy, xu hướng M&A trong ngành này trong thời gian tới, với cả cơ hội lẫn thách thức cho các định chế tài chính Việt Nam sẽ là gì?

Trước hết, có thể nhận định rằng, M&A là xu hướng tất yếu của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, do sức ép cạnh tranh rất lớn của thị trường tài chính trong nước và khu vực. Cam kết mở cửa thị trường tài chính với ASEAN đòi hỏi các TCTD trong nước phải nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, quản trị…, quan trọng hơn là phải hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kinh nghiệm của các nước như Malaysia và Thái Lan cho thấy, sau khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990, những quốc gia này đã quyết liệt cải tổ hệ thống ngân hàng, giảm số lượng các ngân hàng, chấp nhận hình thức sở hữu đa dạng…

Đây là lý do quan trọng trong việc giúp các nước này phục hồi kinh tế trong khoảng một thập niên trở lại đây. Khi Việt Nam gia tăng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới với các thỏa thuận và hiệp định thương mại song phương, đa phương…, ngành ngân hàng đòi hỏi phải có các TCTD với quy mô đủ lớn, với năng lực cạnh tranh cao về công nghệ, nhân lực, dịch vụ, đủ để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và quy mô hoạt động, M&A có thể là một giải pháp hiệu quả của các ngân hàng.

Thực tế thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ lẻ, với chiến lược kinh doanh khá tương đồng, thiếu hẳn những ngân hàng hoạt động theo từng lĩnh vực chuyên sâu, do đó năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, sau giai đoạn tái cơ cấu 2012 -2015, đến nay, đã có 3 ngân hàng TMCP được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Các “ngân hàng 0 đồng” này hiện đều được NHNN hỗ trợ tài chính, thanh khoản… thông qua các NHTM có sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí xử lý, giảm sự phân tán các nguồn lực của cơ quan quản lý, NHNN có thể xem xét phương án hợp nhất các “ngân hàng 0 đồng” thành 1 TCTD duy nhất, điều này cũng góp phần làm giảm số lượng các TCTD về thực chất.

Quá trình tái cơ cấu quyết liệt trong những năm qua với những biện pháp mạnh mẽ từ NHNN Việt Nam nhằm ổn định hệ thống, xử lý tình trạng sở hữu chéo, yêu cầu vốn điều lệ thực không được thấp hơn mức quy định là 3.000 tỷ đồng… cũng đã sàng lọc các chủ sở hữu ngân hàng, khiến họ phải xem xét và đưa ra quyết định tiếp tục đầu tư vào ngân hàng hay thoái vốn và chuyển sang các ngành khác.

Thực tế cho thấy, chi phí quản lý và đầu tư vào một ngân hàng là rất lớn, các ngân hàng nhỏ lẻ cần cân nhắc phương án hợp lực với nhau để có thể tồn tại và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Nếu NHNN có định hướng và những chính sách cụ thể (như tăng mức vốn điều lệ tối thiểu và áp dụng những cơ chế giám sát chặt chẽ…), quá trình hợp lực này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nữa. Theo đó, M&A cũng là một nhu cầu tự thân của các TCTD Việt Nam: các TCTD có quy mô nhỏ, do nhu cầu tăng vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng cần liên kết với nhau qua các thương vụ M&A để hình thành các TCTD lớn mạnh hơn. 

Vai trò của vốn ngoại

Một xu hướng nữa của thị trường M&A tài chính ngân hàng Việt Nam là sự tham gia nhiều hơn, sâu hơn của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo hành lang pháp lý để thực hiện, bởi quá trình tái cấu trúc các TCTD trong nước chắc chắn sẽ có hiệu quả nhanh hơn với sự tham gia của dòng tiền thực từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD Việt Nam, trong đó bên cạnh mức trần sở hữu 30% còn quy định: “Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định…”.

Mới đây, Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK Việt Nam vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành (có hiệu lực từ tháng 9/2015), theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% ở đa số các lĩnh vực, riêng một số lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng vẫn sẽ duy trì sở hữu nước ngoài ở mức trần 30%.

Những quy định pháp luật như nghị định này chắc chắn sẽ tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào quá trình M&A tại các DN Việt Nam nói chung và ngành tài chính nói riêng. Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây thì các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lại bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn, cho thấy một xu thế mới ngày càng hình thành rõ ràng tại Việt Nam.

Trong ngành tài chính ngân hàng, bên cạnh các TCTD đóng vai trò trung tâm, còn có các tổ chức tài chính phi ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đây cũng được dự báo là khu vực có nhiều tiềm năng cho các thương vụ M&A, kể cả giữa các đối tác trong nước hay có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2014 - 2015, việc các ngân hàng sáp nhập, mua lại các công ty tài chính đã bắt đầu nở rộ. Xu hướng M&A này tạo cơ hội để ngân hàng phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng, vốn được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam, đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng, đồng thời tiến nhanh hơn trên con đường hình thành ngân hàng bán lẻ đa năng và sau đó là tập đoàn tài chính.

Tương tự là những liên kết trong lĩnh vực bancassurance, một sự cộng tác giữa ngân hàng và bảo hiểm, tuy chưa phải là một hình thức M&A thực thụ, nhưng cũng cho thấy những bước đi theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng khả năng bán chéo sản phẩm của nhau, thúc đẩy cả thị trường ngân hàng và thị trường bảo hiểm cùng phát triển.

Quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đã đạt được những thành quả nhất định: ổn định hệ thống, giảm nợ xấu, ổn định tỷ giá và gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, từng bước loại bỏ các TCTD yếu kém ra khỏi hệ thống (với nhiều giải pháp khác nhau, như tự lên phương án tái cơ cấu, tự nguyện M&A, NHNN mua lại TCTD với giá 0 đồng…).

Quá trình tái cơ cấu cũng giúp đánh giá lại hệ thống TCTD trong những mặt khác như mô hình sở hữu: loại hình ngân hàng liên doanh trở nên kém hiệu quả và có xu hướng giảm dần trong hệ thống. Thực tiễn thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam cho thấy, M&A là một giải pháp hữu hiệu của quá trình tái cơ cấu, tùy vào tình hình của từng TCTD mà M&A diễn ra khác nhau, với nhiều đặc tính riêng biệt và độc đáo, với sự tham gia của nhiều bên (TCTD, nhà đầu tư nước ngoài, NHNN), với nhiều cách thức khác nhau…

Có thể nói, M&A không có nghĩa là TCTD này “mất” vào tay TCTD khác. Xét theo một ý nghĩa khách quan thì M&A đồng nghĩa với việc ổn định thị trường tiền tệ, giảm thiểu các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực các TCTD để đáp ứng được nhu cầu khách quan của thị trường. Trong thời gian từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường chứng kiến những thương vụ M&A khá đa dạng trong ngành tài chính ngân hàng Việt, với các chủ thể và hình thức M&A khác nhau, đồng thời cũng kỳ vọng những thương vụ lớn hơn trong thời gian tới.

Mục đích cuối cùng mà tất các các chủ thể tham gia M&A hướng tới vẫn là những định chế tài chính - ngân hàng vững mạnh hơn, đủ năng lực và quy mô để phục vụ nhu cầu đa dạng về dịch vụ tài chính cho khách hàng, đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong khu vực, trong bối cảnh kinh tế tài chính Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn bao giờ hết với ASEAN và thế giới.

Tin bài liên quan