Nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

Nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK về cơ hội thị trường 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Asset Management (VAM) cho rằng, nền kinh tế dường như đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, hiện đang trong quá trình thanh lọc và củng cố để phát triển bền vững.

Ông nhận định thế nào về cơ hội của TTCK trong 6 tháng cuối năm?

Từ giờ đến cuối năm, tôi nghĩ kinh tế Việt Nam và TTCK vẫn sẽ chưa ổn định, vì kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đặc biệt, những nước thuộc nhóm thị trường mới nổi như Brazil, Trung Quốc đã trải qua một thời gian dài tăng trưởng nóng về kinh tế, hiện đang bộc lộ những dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại về kinh tế vĩ mô. Thị trường thế giới bất ổn tất yếu sẽ có ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam .

Tuy nhiên, theo tôi, điểm sáng là nền kinh tế Việt Nam dường như đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, đang trong quá trình thanh lọc và củng cố để phát triển bền vững hơn. Những doanh nghiệp được quản lý tốt, có tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ bứt phá và phát triển mạnh hơn trong giai đoạn này, thông qua các hoạt động chiếm lĩnh mở rộng thị phần, thâu tóm những doanh nghiệp yếu kém, phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh, trong khi đó những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải. Tôi nghĩ điều này là cần thiết và tốt cho nền kinh tế về lâu dài.

 

Quỹ HLG Vietnam Fund của VAM đã đạt tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) rất ấn tượng trong 5 tháng đầu năm (tăng gần 37%). Ông có thể cho biết những ngành nghề hoặc nhóm cổ phiếu nào đã giúp Quỹ đạt tăng trưởng ấn tượng như vậy?

Chúng tôi đang tập trung đầu tư nhiều vào ngành tiêu dùng, đặc biệt là vào những doanh nghiệp có nền tảng và tiềm lực tài chính mạnh, được quản lý tốt. Bởi chúng tôi tin rằng, những doanh nghiệp này sẽ trở thành những công ty dẫn đầu trong ngành nghề của mình sau khi giai đoạn khủng hoảng qua đi. Chúng tôi tránh đầu tư vào những công ty có chi tiêu vốn quá cao và đầu tư dàn trải. Chiến lược đầu tư này không chỉ được áp dụng cho quỹ HLG Vietnam Fund, mà được áp dụng chung cho các quỹ khác do VAM quản lý.

Hiện Công ty quản lý quỹ thành viên VAM Việt Nam đang trong quá trình xin giấy phép thành lập một quỹ mở đại chúng dành cho nhà đầu tư trong nước với chiến lược, tiêu chí hoạt động và đầu tư tương tự. Chúng tôi hy vọng, sẽ tạo ra được một trong những sản phẩm quỹ mở đầu tiên, hấp dẫn và có tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư trong nước, giống như những gì chúng tôi đã làm được cho các nhà đầu tư trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Malaysia… trong những năm qua.

 

Liệu 6 tháng cuối năm, Quỹ HLG Vietnam Fund có khả năng đạt được NAV cao như 6 tháng đầu năm hay không, thưa ông?

Tôi nghĩ là rất khó đạt được, mặc dù các công ty mà chúng tôi đầu tư vào hiện vẫn đang tăng trưởng tốt, với mức lợi nhuận tăng từ 20 - 30%/năm.

Thông thường, sau một giai đoạn khủng hoảng, các cổ phiếu đi lên từ đáy sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng. Để giúp nhà đầu tư có được tính thanh khoản cao, từ đó có thể thu được lợi nhuận tốt khi đầu tư vào các quỹ do VAM quản lý, chúng tôi thường xác lập tần suất mở quỹ cao như hàng ngày hoặc hàng tuần. Đối với quỹ mở trong nước sắp tới, chúng tôi cũng sẽ áp dụng tần suất mở quỹ hàng tuần để phục vụ nhu cầu thanh khoản của nhà đầu tư Việt Nam .

 

Giai đoạn này, những DN được quản lý tốt, có tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ bứt phá

Theo quan sát của ông tại các quỹ đầu tư mà VAM đang quản lý, hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay như thế nào?

Xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn chưa ổn định, do còn quan ngại về một số vấn đề kinh tế vĩ mô hiện tại. Tuy nhiên, tôi thấy, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã tỏ ra quan tâm tới thị trường Việt Nam hơn. Họ chủ động tiếp xúc với chúng tôi để tìm hiểu, cập nhật tình hình thị trường Việt Nam . Điều này cho thấy, vẫn còn một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.