Nền kinh tế đang diễn biến đúng như kịch bản

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam sẽ khoảng 5,5%. Nếu đúng như vậy, nền kinh tế đang đi đúng kịch bản.
Lĩnh vực sản xuất ghi nhận dấu hiệu tích cực hơn trong những tháng đầu năm. Ảnh: Đ.T

Lĩnh vực sản xuất ghi nhận dấu hiệu tích cực hơn trong những tháng đầu năm. Ảnh: Đ.T

Kịch bản nào cho kinh tế quý I?

Số liệu thống kê chính thức phải tới cuối tháng 3 mới được công bố, nhưng đã bắt đầu có những dự báo về tăng trưởng GDP trong quý đầu năm.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự báo của Ngân hàng UOB (Singapore). Ngân hàng này căn cứ vào số liệu thống kê các chỉ số kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm, với xuất khẩu tăng 17,6% so với cùng kỳ, còn sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với mức giảm 2,2% của 2 tháng đầu năm ngoái, để cho rằng, đà phục hồi của nền kinh tế đang đi đúng hướng.

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, những dữ liệu này cho thấy, động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực.

UOB cũng nhắc đến Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đang khá tích cực, khi cả trong tháng 1 và tháng 2 đều ở mức trên 50 điểm, để chứng minh cho nhận định của mình.

Thực tế, đầu tháng 3/2024, khi công bố Chỉ số PMI của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 2/2024, với mức 50,4 điểm, S&P Global cũng nhấn mạnh sự cải thiện của ngành sản xuất, dù mức độ cải thiện còn nhẹ.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, khi đó còn cho rằng, các nhà sản xuất đã có thể dựa vào sự tăng trưởng trở lại trong tháng 1 và đà tăng trưởng tiếp tục trong tháng 2.

“Các yếu tố đặc biệt tích cực của kỳ khảo sát PMI mới nhất là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm”, ông Andrew Harker nhấn mạnh.

Còn nay, ông Suan Teck Kin nhận định rằng, những dữ liệu trên cho thấy, động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực.

Với triển vọng đó, UOB dự báo, trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,5%.

Trong khi đó, cách đây ít ngày, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra những dự báo tương tự. Nhấn mạnh sự phục hồi chậm rãi của nền kinh tế, khi các số liệu thống kê chưa cho thấy các thay đổi mang tính đột biến, các nhà phân tích của VCBS cho rằng, tăng trưởng GDP quý I/2024 sẽ đạt 5,5-5,8%.

Như vậy, các dự báo đều đưa ra mức tăng trưởng của quý I năm nay khoảng 5,5%. Nếu đúng như dự báo, thì nền kinh tế đang đi đúng kịch bản đã được vạch ra từ đầu năm. Con số dự báo 5,5% đã tiệm cận mức cao của kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đã xây dựng.

Kỳ vọng vào nửa cuối năm

Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, song trong các dự báo của mình, cả UOB và VCBS đều cho rằng, tăng trưởng sẽ dần phục hồi vào nửa cuối năm.

“Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng hiện nay sẽ duy trì, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024, khi sự phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn”, ông Suan Teck Kin đánh giá.

Cũng theo ông Suan Teck Kin, UOB vẫn giữ nguyên dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%. Con số này vẫn nằm trong khoảng mục tiêu chính thức được Quốc hội quyết nghị là 6-6,5%.

Trong khi đó, VCBS đánh giá, tốc độ hồi phục các hoạt động kinh tế sẽ chỉ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2024. “Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đang đi đúng hướng, song cần thêm thời gian để các biện pháp thẩm thấu vào nền kinh tế”, VCBS dự báo và nhấn mạnh về các biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng, như tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng, như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang tháng 6/2024, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…

Nằm trong nỗ lực đó, tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền. Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là làm sao khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh - doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như PVN.

Có lẽ, đây không chỉ là câu chuyện của riêng PVN. Hai tháng đầu năm nay, chuyện dư nợ tín dụng giảm 0,72% so với cuối năm 2023 khiến Chính phủ và ngành ngân hàng “đau đầu”. Hiện tại, chỉ có 2 lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán có mức tăng trưởng tín dụng đạt dương. Trong khi đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; thương mại - dịch vụ… lại chứng kiến mức suy giảm. Điều đó cho thấy, sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo việc điều hành chính sách tiền tệ theo phương châm “5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá”. Trong đó, việc quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, bao gồm cả động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.

Cùng với chính sách tiền tệ, theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính sách tài khóa, trong đó có thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Đây sẽ là động lực quan trọng để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.

Tin bài liên quan