Nhiều dự án đầu tư có tiến độ giải ngân chậm

Nhiều dự án đầu tư có tiến độ giải ngân chậm

Nền kinh tế “tiêu hóa” vốn kém: 90.000 tỷ đồng tồn kho

(ĐTCK) Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và DN.

Bất thường “tồn kho” 90.000 tỷ đồng

Những con số được cập nhật đến hết tháng 7/2014 cho thấy, nguồn vốn chảy vào nền kinh tế đang có biểu hiện chững lại. Điều này thể hiện trên cả hai khía cạnh.

Với chính sách tiền tệ, 7 tháng qua, tín dụng tăng trưởng 3,6% so với cuối năm 2013, trong khi NHNN đặt chỉ tiêu cho năm nay tăng từ 12 - 14%. Diễn biến này như đánh giá tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014 là tăng trưởng tín dụng thấp. Vì thế, Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào cuối năm.

Trong khi chuyện tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thường chậm, cuối năm dồn toa không có gì bất thường, thì với chính sách tài khóa, đang có sự không bình thường trong giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), khi nhiều dự án “đói” vốn, nhưng hiện còn tồn ngân khoảng 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ NSNN.

“Đúng là có tồn ngân. Số liệu 7 tháng đầu năm 2014 cho thấy, đang tồn ngân cao hơn mức bình thường khoảng 15 - 16%. Nguyên nhân chính là đà thu NSNN tăng khá, đạt 63,5% so với dự toán năm, nhưng chi theo dự toán chỉ đạt 58,2%. Các dự án đầu tư hiện nay giải ngân chậm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói và cho biết thêm, sở dĩ có tình trạng này là do khâu giải phóng mặt bằng chậm; thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, dự án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định cũng như so với yêu cầu cải cách…

Trị bệnh từ gốc

Ngoài những lý do dẫn đến hiện tượng tồn ngân tăng đột biến nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu Kho bạc Nhà nước có hơi “nhanh chân” trong huy động vốn qua kênh trái phiếu, khi 7 tháng qua đã huy động hơn 176.683 tỷ đồng, bằng 84,1% kế hoạch năm. Huy động nhiều trong khi chậm giải ngân đang tăng gánh nặng trả lãi cho NSNN. Để giảm áp lực này, liệu đã đến lúc giảm tốc độ huy động vốn qua kênh trái phiếu? Chưa kể, có ý kiến quan ngại rằng, hệ thống ngân hàng thương mại là đối tượng mua chủ yếu lượng trái phiếu này, nên đã hút hết vốn dành để giải ngân cho DN.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cần có cái nhìn tổng thể hơn, từ đó mới đưa ra được những giải pháp căn cơ nhằm cải thiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như DN. Có một thực tế là chất lượng, tốc độ lưu chuyển của luồng vốn trên thị trường tiền tệ lẫn nguồn vốn đầu tư từ NSNN đang chịu chi phối khá mạnh bởi các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và thị trường tài chính. Trong đó, các tiêu chuẩn về an toàn vốn, hiệu quả đầu tư có sự gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước, nên không chỉ năm nay, mà cả giai đoạn tới, tốc độ tăng trưởng tín dụng và nguồn vốn đầu tư từ NSNN nhiều khả năng sẽ không còn cao. Dần thay thế cho việc giải ngân vốn tăng mạnh về lượng là sẽ cải thiện về chất.

Với góc nhìn như vậy, ông Quỳnh cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết những điểm nghẽn đang bộc lộ. Trong đó, quan trọng nhất là cần sớm lựa chọn được các lĩnh vực mà Việt Nam thực sự có lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn nông nghiệp, du lịch, để có các chính sách tập trung nguồn lực đầu tư, cũng như hỗ trợ mạnh mẽ, qua đó tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Kèm theo đó là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường pháp lý; nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ khoa học, công nghệ, năng lực quản lý… để cải thiện năng lực hấp thụ, sử dụng vốn trong nền kinh tế. Đó là các giải pháp “trị bệnh từ gốc” nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lẫn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Điều này sẽ tạo ra môi trường tốt để luồng vốn thông minh tìm đến những địa chỉ đạt hiệu quả đầu tư tốt, giảm thiểu rủi ro.

“Nếu không khắc phục được những điểm nghẽn trên, mà vẫn muốn tăng trưởng tín dụng cao, lẫn đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư từ NSNN, thì dễ đi vào ‘vết xe đổ’ trước đây là tăng trưởng tín dụng cao, nhưng không bền vững, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nguồn vốn đầu tư từ NSNN giải ngân mạnh, nhưng hiệu quả thấp dẫn đến lạm phát và nợ công tăng, gây bất ổn vĩ mô”, ông Quỳnh nói.    

Tin bài liên quan