Đã đến lúc các nhà quản lý TTCK Việt Nam xác định lại cách tính chỉ số thị trường, để nó phản ánh xác thực nhất thực trạng của thị trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Đã đến lúc các nhà quản lý TTCK Việt Nam xác định lại cách tính chỉ số thị trường, để nó phản ánh xác thực nhất thực trạng của thị trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Nên tính VN-Index đơn giản theo giá cổ phiếu

Trong thời gian gần đây, báo cáo nhận định của các CTCK thường có câu: “giá nhiều cổ phiếu hiện đang rất hấp dẫn, giá của nhiều cổ phiếu trên sàn hiện tại đang bằng với mức giá lúc VN-Index XYZ điểm”... Điều đó chứng tỏ, các CTCK xác định là VN-Index không phản ánh đúng thực trạng của thị trường.

>> 1 tỷ đồng để "điều khiển" VN-Index

Tôi được biết, việc tính VN-Index, cũng như HNX-Index và UPCoM-Index đều giống nhau là theo phương pháp passcher, tức là các chỉ số của TTCK Việt Nam hiện nay được tính bằng chỉ số giá bình quân gia quyền giá trị, với quyền số là số lượng chứng khoán niêm yết thời kỳ tính toán. Với cách tính này thì mã nào có giá trị vốn hóa càng lớn thì sự ảnh hưởng của nó tới các chỉ số càng cao.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, một số mã có vốn hóa lớn như VCB, BVH, VIC, MSN, VNM... trên sàn HOSE hay ACB, PVS, PVX... trên sàn HNX có ảnh hưởng rất lớn tới các chỉ số. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, các mã BVH, VIC, MSN có thanh khoản rất thấp, nhưng ảnh hưởng của nó tới VN-Index là khá cao. Có thể nói, chỉ một lượng nhỏ cổ phiếu của các mã này giao dịch, nó sẽ “chấp” đại bộ phận các mã còn lại. Chính vì vậy, chỉ cần một lượng tiền nhỏ, một nhóm nào đó có thể “điều khiển” VN-Index một cách dễ dàng như bạn Nam đề cập trong bài viết “1 tỷ đồng để “điều khiển” VN-Index” đăng trên ĐTCK số ra ngày 3/1 vừa qua. Từ đó, có thể thấy, chỉ số VN-Index - “nhiệt kế” của TTCK Việt Nam hiện đã không còn chính xác, nó làm méo mó thực trạng của thị trường và ảnh hướng lớn đến nhận định của nhà đầu tư.

Được biết, hiện nay cũng có một số nhà đầu tư giao dịch mà không quan tâm đến diễn biến của VN-Index nữa, mà chỉ quan tâm đến diễn biến của từng cổ phiếu cụ thể. Như vậy, ý nghĩa của VN-Index là nhiệt kế đo diễn biến của thị trường sẽ không còn nữa.

Tôi nghĩ, đã đến lúc các nhà quản lý TTCK Việt Nam xác định lại cách tính chỉ số thị trường, để nó phản ánh xác thực nhất thực trạng của thị trường, giúp nhà đầu tư dễ dàng trong việc theo dõi xu hướng của thị trường.

Theo tôi, chúng ta nên áp dụng cách tính chỉ số như Dow Jone hay Nasdaq của Mỹ là tính giá trung bình của một số cổ phiếu được lựa chọn. Tôi thấy, trong nước hiện nay, Báo Đầu tư Chứng khoán cũng có chỉ số VIR50Index tính theo cách này. Tôi thấy, cách tính này vừa đơn giản, lại vừa phản ánh khá chính xác xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, các cổ phiếu trong VIR50Index chỉ có tiêu chuẩn vốn hóa, nên cũng phản ánh chưa thực sự chính xác diễn biến của thị trường.

Với việc HOSE vừa công bố bảng phân ngành mới, thì ngoài tiêu chuẩn lựa chọn các cổ phiếu có mức vốn hoá lớn, chúng ta cũng nên chọn những cổ phiếu có tính đại diện cho ngành.