Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu tại hội trường sáng 3/11

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu tại hội trường sáng 3/11

"Nếu chưa thống nhất những vấn đề phức tạp, nên lùi việc thông qua Luật Đất đai đến kỳ họp sau"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khi nêu ý kiến về thời điểm thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Băn khoăn trước ngày "bấm nút"

Điều hành phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu trong khi đóng góp xây dựng cho những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật thì cũng cho ý kiến về thời điểm thông qua dự thảo Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nói rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, đã được lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến và đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và các đoàn đại biểu Quốc hội. Dự kiến nếu đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng, Luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (sáng 29/11 tới).

Tuy nhiên, theo ông Hải, tài liệu gửi đến Quốc hội vẫn chưa được kịp thời theo quy định (tối 2/11 cơ quan soạn thảo mới gửi).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi Luật, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân. Quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân.

Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển.

Qua hai kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo Luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa.

"Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau; chưa có điều kiện để rà soát kỹ các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp", ông Hải nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thẳng thắn, trách nhiệm tham gia ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá chất lượng dự thảo và bày tỏ chính kiến của mình xem dự thảo Luật đã đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này hay chưa, hay phải tiếp tục được rà soát, hoàn chỉnh thêm?

Trước đó, sáng cùng ngày, khi trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cho đến giờ vẫn còn 16 nội dung đang được thiết kế 2-3 phương án lựa chọn.

Trong đó, "... nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác".

Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất "bỏ ngỏ" phương án thông qua dự thảo Luật này.

"Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi", ông Thanh nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội: Thận trọng khi quyết định thông qua dự thảo Luật Đất đai

Phát biểu tại buổi thảo luận sáng 3/11 đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp trước.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP. Đà Nẵng)

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP. Đà Nẵng)

"Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này, tôi thấy còn nhiều nội dung có nhiều phương án khác nhau chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật này", đại biểu nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho biết, Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung của Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật khác, nhất là các luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang)

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang)

"Do vậy, tôi cho rằng dự thảo luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Song cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan và nhất là đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn", bà Hà nói.

Thảo luận về thời điểm thông qua Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, một số đại biểu cho rằng việc thông qua dự thảo này rất cấp bách là đúng.

"Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của Ban Thường vụ Quốc hội rằng, "... cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau ...”, ông Giang nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Với nhận định như thế, ông Giang cho rằng cần phải rất thận trọng.

"Nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi Luật có hiệu lực", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị, nếu hôm nay chưa thống nhất được những vấn đề phức tạp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội nên cân nhắc tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau.

"Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng nên phải hết sức thận trọng", ông Vân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan