Nếu ECB thực hiện QE, thị trường có thể lại “dậy sóng”

Nếu ECB thực hiện QE, thị trường có thể lại “dậy sóng”

(ĐTCK) Một trong những nhà kinh tế giàu ảnh hưởng nhất châu Âu cảnh báo, nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE) trong tuần này, thì điều đó sẽ tạo ra sự bất ổn sâu sắc trên các thị trường, giống như những gì đã diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bỏ neo tỷ giá nội tệ vừa qua.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo (Đức), Hans Werner Sinn cho rằng, ECB sẽ thực hiện QE và họ sẽ có rất nhiều tiền. Số tiền đó có thể được đổ vào thị trường bất động sản để vực dậy lĩnh vực này hoặc dòng tiền đầu tư từ chương trình QE có thể chảy sang Thụy Sỹ và Ngân hàng Trung ương nước này sẽ không thể chặn được điều đó. Một loạt tác động dây chuyền khác có thể xảy ra. Giải pháp QE của ECB đã vượt ngoài khuôn khổ của chính sách tiền tệ, trong khi mục đích thực sự của chúng chỉ nên dừng lại ở mức trợ giúp các ngân hàng và nhà nước.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại tin rằng, ECB đang đối mặt với bài kiểm tra thực sự để bảo vệ đồng euro khi thực hiện chương trình QE nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát và phục hồi kinh tế. Một QE được tung ra gần như là điều chắc chắn, chỉ có điều, chương trình đó sẽ được thực hiện với quy mô và hiệu quả như thế nào mà thôi.

Thông tin về cuộc họp bí mật của Chủ tịch ECB Mario Draghi với Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần qua đã nhấn mạnh về mức độ nhạy cảm chính trị của vấn đề này và ECB hy vọng, bà Merkel sẽ không phản đối kế hoạch đó. Một số nhà ủng hộ QE lo ngại ông Draghi có thể phải nhân nhượng Đức bằng cách phác họa một chương trình QE bị giới hạn về số lượng và quy mô, không đủ khả năng chia sẻ rủi ro ra ngoài biên giới và không bao gồm chương trình mua trái phiếu chính phủ các nước có xếp hạng tín dụng thấp.

Kế hoạch dự thảo do các quan chức ECB khởi xướng sẽ hạn chế trần mua trái phiếu khoảng 500 tỷ euro. Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, con số đó cần tăng gấp đôi để đạt được mục tiêu cần thiết. Chủ tịch Draghi có được sự ủng hộ đáng kể trong Ban điều hành ECB, song hai thành viên người Đức là Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank Jens Weidmann và thành viên Ban giám đốc ECB Sabine Lautenschlaeger gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu chống lại QE. Một số thành viên khác cũng có thể tham gia nhóm phản đối này.

Một lựa chọn nghiêm túc đang được cân nhắc khác là sẽ để các ngân hàng trung ương thành viên của 19 nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cùng gánh vác rủi ro về nợ nần cho tất cả hoặc của hầu hết các nước có trái phiếu được mua vào. Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan hoạch định chính sách kinh tế Bruegel (có trụ sở tại Brussels, Bỉ), Guntram Wolff nhận định: “Đây sẽ là phương án ít hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm nhất. Đó sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy, ECB không còn là một thể chế có liên kết chặt chẽ nữa”.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bất ngờ từ bỏ neo tỷ giá 1,2 franc đổi 1 euro duy trì trong suốt 3 năm qua đã khiến thị trường tài chính toàn cầu dậy sóng và tạo ra sự thiệt hại nặng nề đối với một số ngân hàng và nhà đầu cơ. Điều này cho thấy, các ngân hàng trung ương khó có thể kiềm chế các bất ổn thị trường và lòng tin được dầy công tạo dựng có thể dễ dàng bị phá hủy như thế nào.

Đây là một bài học cho ECB khi ngân hàng này sẽ phải đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong lịch sử 16 năm tồn tại của mình.

Tin bài liên quan