Nếu quyết tâm, Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già

Nếu quyết tâm, Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già

(ĐTCK) Theo dự báo của UNDP, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Philippines vào năm 2030. Vào năm 2050, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. 

Lạm phát chưa đáng lo

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 1/2017 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC đánh giá, vấn đề lo ngại chính trong vài tháng gần đây của Việt Nam có thể là áp lực lạm phát quay lại.

Trong tháng 11, lạm phát đã tăng từ 4,1% trong tháng 10 lên 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát tăng trong tháng 11 chủ yếu là do hai yếu tố đột xuất là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe cao hơn.

Thực tế, hai yếu tố này đã đóng góp 3,2 điểm phần trăm cho lạm phát toàn phần và hiện đang chiếm hơn 70% việc tăng trong các loại giá.

Như vậy, nếu loại bỏ sự ảnh hưởng của những “yếu tố đột xuất”, lạm phát sẽ thấp hơn nhiều.

Nếu Việt Nam thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế..., Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già.

- Ông Phạm Hồng Hải,
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

HSBC cho rằng, với một quốc gia mà cách đây không lâu vẫn còn quay cuồng với mức lạm phát hai chữ số, bất kỳ sự gia tăng nào cũng không tránh khỏi gây ra những mối lo ngại.

Tuy nhiên, lạm phát tăng gần đây không diễn ra trên diện rộng, chủ yếu do chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng dẫn dắt.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát dưới 5% như mục tiêu đề ra, áp lực giá gia tăng gần đây là một vấn đề cần phải lưu ý, nhưng đó không thực sự là một mối lo ngại quá lớn.

Nguy cơ nợ xấu chưa được loại bỏ

Theo HSBC, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn mạnh trong suốt năm qua.

Tháng 9, tổng dư nơ tín dụng đã thay đổi chút ít so với tháng trước đó nhưng dù sao vẫn còn nằm ở mức 16,8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn nhiều hơn nợ tổng thể và điều này tiếp tục đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (tỷ lệ NPL) đã giảm dần khi Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua các tài sản yếu kém từ các ngân hàng. Tuy nhiên, những nguy cơ tín dụng tiềm ẩn và suy giảm vốn liên kết vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Chính vì vậy, việc giải quyết nợ xấu kéo dài cần có những trọng tâm chính sách đặc biệt và có thể thêm vào gánh nặng nợ công.

Nếu quyết tâm, Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già ảnh 1

Nợ công: cần cải tổ

Đối với trường hợp Việt Nam, HSBC cho rằng, nợ công đang tăng lên không hẳn là một điều xấu, bởi trong bối cảnh tăng trưởng mạnh, chắc chắn cần thiết phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian dài, có thể phải đảm bảo việc điều tiết tăng trưởng nợ.

Theo HSBC, sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam có được là nhờ sự gia tăng nhanh hơn về nợ công của quốc gia. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nợ công trong 5 năm qua đã tăng lên trung bình 18,4% và nhanh hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo Ủy ban Tài chính và Ngân sách, tất cả các chỉ số nợ công của Việt Nam, bao gồm cả tỷ lệ công nợ trên GDP, thu ngân sách, tỷ lệ dịch vụ nợ trên GDP, cũng như doanh thu của Chính phủ, đều đang tiếp cận hoặc vượt quá ngưỡng an toàn. Chẳng hạn, tỷ lệ dịch vụ nợ trên doanh thu Chính phủ đã đạt 27,4% trong năm 2015, vượt quá giới hạn cho phép chỉ ở mức 25%.

Trong bối cảnh này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tăng giới hạn trên của nợ Chính phủ lên 54% GDP so với mức 50% trước đây. Quốc hội cũng đã đặt mục tiêu thu ngân sách đạt 6.846 ngàn tỷ đồng (tương đương 306,51 tỷ USD) cho 5 năm tới, trong khi không thay đổi trần nợ công và nợ nước ngoài ở mức tương ứng 65% và 50% GDP.

Việc sửa đổi này xuất phát từ nguồn thu Nhà nước đang giảm, đặc biệt là do giá dầu thô thấp. Thống kê chính thức cho thấy, doanh thu từ dầu chiếm 30% ngân sách quốc gia Việt Nam trong năm 2005, 20% vào năm 2010 và chỉ 10% trong năm 2015.

Triển vọng vẫn sáng lạn

Các chuyên gia kinh tế của HSBC cho rằng, đà tăng sẽ kéo dài trong những quý tới. Thực tế, trong thời gian qua, ngay cả khi các điều kiện kinh tế toàn cầu đã mờ nhạt, Việt Nam vẫn là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Với không gian tài chính suy giảm và nợ công đang dần tiếp cận trần cho phép, nâng cao hiệu quả chi tiêu sẽ rất thật sự cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Nếu quyết tâm, Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già ảnh 2

Việt Nam đang có cơ hội vàng để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế 

Theo HSBC, đáng khích lệ là Chính phủ đang đi đúng hướng trong việc cải cách tài chính công. Cải cách này không chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhanh hơn.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, mặc dù có những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực.

"Việt Nam vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu chúng ta thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cơ hội này sẽ không kéo dài, vì Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới", ông Hải đánh giá.

Ông Hải cũng cho biết, theo dự báo của UNDP, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Philippines vào năm 2030. Vào năm 2050, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ.

"Nếu Việt Nam thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế (ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già", ông Hải nhấn mạnh.

Tin bài liên quan