Nga chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý với phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý quy mô lớn với phương Tây nhằm ngăn chặn Mỹ cùng đồng minh chiếm đoạt tài sản bị phong tỏa trị giá 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và trao chúng cho Ukraine.
Nga chuẩn bị kiện phương Tây ra tòa nếu muốn chiếm đoạt số tiền 300 tỷ USD bị đóng băng. Ảnh: centralbanking.com

Nga chuẩn bị kiện phương Tây ra tòa nếu muốn chiếm đoạt số tiền 300 tỷ USD bị đóng băng. Ảnh: centralbanking.com

Theo Bloomberg, các quan chức ở Moskva đã phân tích khả năng bị tịch thu tài sản, sau khi Nhà Trắng bắt đầu gây áp lực lên các đối tác châu Âu vào tháng 12 năm ngoái để bắt đầu quá trình tịch thu tài sản Nga nhằm tài trợ cho Ukraine.

Viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây cho Ukraine đã trở nên căng thẳng do những tranh cãi nội bộ. Khoảng 60 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất tài trợ bổ sung cho Ukraine đã bị Quốc hội Mỹ chặn lại, trong bối cảnh Kiev đang cạn kiệt tiền và đạn dược.

Hôm 11/1, Mỹ cho biết đã gửi gói viện trợ quân sự cuối cùng và quỹ dành cho Ukraine đã cạn kiệt. Đồng thời, một số dự luật đã được đưa ra nhằm trao cho Chính phủ Mỹ thẩm quyền pháp lý để thu giữ tiền của CBR. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có khoảng 5 tỷ USD tài sản Nga bị phong tỏa trong khi phần lớn tài sản Nga trị giá khoảng 210 tỷ USD nằm ở châu Âu.

Các chính phủ phương Tây có khả năng phong tỏa số tiền này, nhưng nhờ các quyền sở hữu của phương Tây về mặt kỹ thuật, số tiền này vẫn là tài sản của Chính phủ Nga. Cách duy nhất phương Tây có thể chiếm đoạt số tiền theo quy định hiện hành là khi phương Tây tuyên chiến với Nga.

CBR đang chuẩn bị kiện phương Tây ra tòa nếu bất kỳ tài sản nào của họ bị tịch thu. Theo Bloomberg, CBR sắp hoàn tất các thỏa thuận với các công ty luật quốc tế để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp xảy ra đối đầu tại tòa án.

Chính quyền Nga đã tham khảo ý kiến chuyên gia về luật pháp nước ngoài có liên quan và xem xét các tiền lệ ở các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên để củng cố quan điểm. Dự trữ của ngân hàng trung ương chưa bao giờ bị tịch thu trước đây và thường được coi là bất khả xâm phạm; tuy nhiên, các hiệp định quốc tế liên quan còn mơ hồ và chưa đầy đủ.

Nhà Trắng dường như ngày càng quan tâm đến việc tịch thu tài sản của Nga khi phải đối mặt với số lượng xung đột quân sự ngày càng tăng. Họ đã nỗ lực phối hợp động thái này với các đồng minh G7 của mình, nhưng châu Âu vẫn ngần ngại vì sợ những thiệt hại có thể gây ra cho hệ thống tài chính châu Âu và đồng euro.

Khi được hỏi về những hành động tiềm tàng của phương Tây, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Moskva sẽ kiện ra tòa và cảnh báo về khả năng trả đũa. Ông Peskov lưu ý: “Điều này sẽ kéo theo những chi phí pháp lý và tư pháp rất nghiêm trọng đối với những người đưa ra những quyết định như vậy”. Ông nhấn mạnh Điện Kremlin sẵn sàng việc phản đối bất kỳ vụ tịch thu nào trong một vụ kiện có thể kéo dài hàng thập kỷ.

Con đường pháp lý từ lâu đã được các quan chức hàng đầu của Nga cân nhắc, trong đó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina bày tỏ sẵn sàng kiện động thái đóng băng tài sản Nga vào tháng 7 năm ngoái. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 vừa qua, bà chỉ trích động thái đó là vi phạm các nguyên tắc an ninh dự trữ cơ bản.

Các quan chức tham gia thảo luận tin rằng việc theo đuổi vụ kiện tại tòa án sẽ cản trở mọi hoạt động chuyển tiền sang Ukraine, ngay cả khi Nga không giành lại quyền kiểm soát số tiền đó. Họ lập luận rằng phương Tây phải đối mặt với cơ hội mong manh trước tòa và thiếu căn cứ chính đáng để tịch thu dựa trên luật sau khi đóng băng.

Quỹ Roscongress ở Nga gần đây đã công bố một báo cáo về khả năng đưa vụ việc ra tòa, trong đó cho thấy "rủi ro thực sự" trong việc thu giữ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga vẫn ở mức thấp. Báo cáo chỉ ra rằng nỗ lực tịch thu tài sản sẽ dựa vào luật pháp trong nước của các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt Nga, tạo cơ sở cho những thách thức pháp lý có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Một câu hỏi cần được giải quyết là tòa án nào có thể xét xử một vụ án như vậy, vì không có tòa án phúc thẩm toàn cầu nào từng xử một vụ án như thế này.

Tin bài liên quan