Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu trong 3 ngày. Ảnh: RT.

Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu trong 3 ngày. Ảnh: RT.

Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, châu Âu lại đứng ngồi không yên

0:00 / 0:00
0:00
Việc Nga tiếp tục bảo trì Dòng chảy phương Bắc 1 trong 3 ngày đã khiến châu Âu một lần nữa lo lắng về khả năng Moscow sẽ không nối lại hoạt động của đường ống và cắt hoàn toàn nguồn cung sang khu vực này.

Nga xác nhận đóng các dòng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến châu Âu từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì. Đồng thời, Nga cũng giảm lượng khí đốt cung cấp cho công ty Engie của Pháp sau khi công ty này từ chối thanh toán đầy đủ đối với lượng khí đốt được cung cấp hồi tháng 7.

Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và EU, cũng như làm tăng nguy cơ suy thoái và ảnh hưởng đến việc phân bổ năng lượng ở một số quốc gia trong khu vực.

“Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung khí đốt Nga bị gián đoạn hoàn toàn”, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nói, sau khi công ty năng lượng Engie thông báo về việc sẽ nhận được ít khí đốt hơn từ Gazprom.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các công ty lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng vào tháng 9 tới đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu Pháp buộc phải phân phối khí đốt và điện.

Theo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 nghĩa là sẽ không có dòng khí đốt chảy đến Đức trong khoảng thời gian từ ngày 31/8-2/9.

Các nước châu Âu lo ngại rằng Nga có thể kéo dài thời gian ngừng hoạt động Dòng chảy phương Bắc 1 để đáp trả các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt. Châu Âu cũng cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một “vũ khí chiến tranh”, song Moscow phủ nhận điều này.

Các hạn chế hơn nữa đối với nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã khiến giá khí đốt bán buôn tăng vọt hơn 400% kể từ tháng 8/2021. Điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, buộc nhiều nước châu Âu phải chi nhiều tiền hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng.

Không giống như việc bảo trì 10 ngày đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vào tháng 7, công việc lần này đã được thông báo trước gần 2 tuần. Hoạt động bảo trì được thực hiện bởi công ty Gazprom chứ không phải công ty Nord Stream AG, tập trung vào tuabin hoạt động cuối cùng tại nhà máy.

Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40% công suất vào tháng 6 và cắt giảm tiếp xuống chỉ còn 20% công suất vào tháng 7, với lý do việc trả lại thiết bị bị trì hoãn bởi công ty Siemens Energy của Đức, ở Canada.

Công ty Gazprom cho biết, lần đóng đường ống dẫn khí đốt mới nhất là cần thiết để bảo trì máy nén duy nhất còn lại của đường ống.

Tuy nhiên, Nga cũng đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan, đồng thời giảm dòng chảy khí đốt qua các đường ống khác kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

“Với những sự kiện trong thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng thị trường đang phớt lờ những tuyên bố của Gazprom và nên bắt đầu xem xét liệu đường ống có thể không hoạt động trở lại hay không hoặc sẽ lại bị trì hoàn vì bất kỳ lý do nào”, Biraj Borkhataria, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng châu Âu của RBC Capital Markets, nói.

Châu Âu lại lo ngay ngáy

Vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng Dòng chảy phương Bắc đã “hoạt động hoàn toàn” và không có vấn đề kỹ thuật nào như Nga thông báo.

Klaus Mueller, Chủ tịch cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức, cho biết, dòng chảy khí đốt được nối lại sẽ giúp Đức đảm bảo an ninh nguồn cung, nhưng không thể biết được hậu quả sẽ như thế nào nếu dòng chảy khí đốt Nga về mức 0.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang ứng phó tốt hơn dự kiến trong việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, song vẫn không đủ để giúp đất nước vượt qua mùa đông tới.

“Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, các kho dự trữ đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến. Mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ khí đốt vào tháng 10 có thể đạt được ngay trong đầu tháng 9 với mức hiện tại là 82%”, ông Habeck cho biết.

Việc giảm dòng chảy khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực trên khắp châu Âu để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, một mục tiêu chiến lược quan trọng để vượt qua mùa đông tới, trong bối cảnh lo ngại Nga có thể cắt nguồn cung hoàn toàn sang lục địa này.

“Thật là kỳ diệu khi mức bổ sung khí đốt ở Đức vẫn tiếp tục tăng”, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính ngân hàng Commerzbank nói và cho rằng Đức đã thành công trong việc mua đủ khí đốt ở những nơi khác với giá cao hơn.

Tuy nhiên, trong khi đó, một số nước châu Âu đang tự nguyện cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng, bao gồm hạn chế sử dụng các thiết bị điện và các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho kịch bản phải phân phối khí đốt.

Ở mức 83,26%, Đức đã gần đạt được mục tiêu lưu trữ 85% công suất kho dự trữ khí đốt vào ngày 1/10. Tuy nhiên, nước này cảnh báo rằng việc đạt mục tiêu lưu trữ 95% khí đốt vào ngày 1/11 có thể sẽ dài hơn nếu các công ty và hộ gia đình không cắt giảm mạnh mức tiêu thụ.

Đối với toàn bộ EU, mức lưu trữ khí đốt hiện tại là 79,94%, thấp hơn so với mục tiêu đạt 80% vào ngày 1/10, thời điểm bắt đầu sử dụng hệ thống sưởi ấm.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết, giả thiết của họ là thời gian ngừng hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ không kéo dài.

“Nếu điều đó đó xảy ra, sẽ không có yếu tố bất ngờ và doanh thu giảm, trong khi để dòng chảy khí đốt của Dòng chảy phương Bắc ở mức thấp và có lúc giảm xuống 0 có khả năng sẽ khiến thị trường năng lượng biến động và gây áp lực chính trị lên châu Âu cao hơn”, các chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định.

Tin bài liên quan