Áp lực tăng vốn của các nhà băng cao hơn trong năm 2018, khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần

Áp lực tăng vốn của các nhà băng cao hơn trong năm 2018, khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần

Ngân hàng đồng loạt tăng vốn “khủng”

(ĐTCK) Tốc độ tăng vốn tự có của các ngân hàng đang chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản trong năm 2017 nên áp lực tăng vốn sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, kế hoạch năm 2018, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng lên 13.240 tỷ đồng (18,25%) nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng hoạt động đầu tư.

Cuối tuần trước, Ban lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã trình và được ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn khá mạnh trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng dự kiến tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng, tương đương mức tăng 28%.

Cũng có mức tăng vốn điều lệ mạnh trong năm 2018 là Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) với tỷ lệ tăng 46% ở mức 8.566 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), HĐQT trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn “khủng” tới 77% ngay trong năm 2018, lên mức 27.799,87 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ thực tế được các ngân hàng đẩy mạnh từ cuối năm 2017, đặc biệt là dịp cuối năm 2017 như BacA Bank, HDBank, MB, VPBank, ACB... Dẫu vậy, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối năm 2017, hệ số CAR của toàn hệ thống cũng chỉ đạt 11,1%, còn thấp hơn năm 2016 là 11,6%.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, sau giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, để có đủ năng lực cho vay, các nhà băng buộc phải tăng vốn điều lệ.

“Tốc độ tăng vốn tự có của các ngân hàng đang chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản trong năm 2017 nên áp lực tăng vốn sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần”, TS. Hiếu nói.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, đến cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã lên tới 29.000 tỷ đồng. Nếu phát hành thêm cổ phần thì hệ số CAR mới đạt 18%. Còn trong năm 2017, sau khi ngân hàng tăng vốn lên 15.700 tỷ đồng thì CAR mới đạt 14,6% và tính theo Basel II thì CAR đạt 12,6%, đáp ứng khoảng cách an toàn so với mức quy định tối thiểu 8% của Thông tư 41.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu VPBank phải áp dụng Basel II nhưng trong nội bộ ngân hàng đã chủ động thực hiện trước việc tăng vốn để đáp ứng Basel II”, ông Dũng giải thích.

Vậy với việc tăng vốn, nguồn tiền từ đâu trong bối cảnh nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại nhiều tổ chức tín dụng phần lớn đã dứt áo ra đi, nhà đầu tư trong nước buộc phải có nguồn tiền thực? Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê cho biết: “Sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu thêm 1.203,12 tỷ đồng, nguồn vốn điều lệ của SHB dự kiến sẽ là 13.239,28 tỷ đồng”.

Kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ TPBank thông qua với tổng tỷ lệ phát hành thêm cho các cổ đông là 28,37% bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,37% và chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn với tỷ lệ 20%. Năm 2017, lợi nhuận TPBank tăng 80%, vượt 1.200 tỷ đồng giúp tích lũy thêm đáng kể nguồn lợi nhuận chưa phân phối lớn, qua đó nhà băng này đã có thể chia cổ tức với tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng. Ngoài cổ tức, cổ đông TPBank còn được nhận kèm thêm khoản chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Sau rất nhiều lần kỳ vọng bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài mà chưa thành công, năm nay BIDV tiếp tục đặt kế hoạch trọng tâm bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, HĐQT BIDV đặt ra 3 phương thức thực hiện: thứ nhất, BIDV sẽ chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ hơn 170,9 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018 – 2019.

Thứ hai, Ngân hàng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu. Thứ ba, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động là 170,9 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ).

Còn Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, 5 năm qua dù không tăng vốn điều lệ nhưng Ngân hàng vẫn đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định NHNN trên cơ sở triển khai nhiều biện pháp để tăng vốn tự có, trong đó có phát hành trái phiếu thứ cấp. Được biết, năm 2017, Ngân hàng đã phát hành 4.200 tỷ đồng trái phiếu và năm nay có thể sẽ phát hành tiếp.

Ông Thọ nói: “Ngân hàng nhận thấy hết năm 2017 dư địa để khai thác tăng vốn không còn nhiều nên chúng tôi phải tính đến tăng vốn từ các cổ đông. Nhiều lần Ban lãnh đạo Ngân hàng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng quy định hiện nay chưa làm được, hy vọng có thể làm trong sau này. Chúng tôi cũng đã có đề án gửi NHNN để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới”.

Tin bài liên quan