Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo

Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo

(ĐTCK) Tình trạng các ngân hàng trong nước gia tăng sở hữu chéo đang ngày càng lộ diện.

Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo ảnh 1

Maritime Bank hiện sở hữu hơn 9,4% cổ phần của MBB

Việc 3 ngân hàng thay đổi tổng giám đốc trong tuần này, gây sự chú ý của đông đảo giới đầu tư, cũng cho thấy động thái “chuyển dịch ngầm” sở hữu vốn trong ngành ngân hàng.

Những động thái dịch chuyển vốn

Ngày 19/6/2012, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - MSB) chi khoảng 220 tỷ đồng mua thêm 15,228 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội. Sau giao dịch này, Maritime Bank nâng tổng số lượng cổ phần nắm giữ lên 94.114.630 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,411% vốn điều lệ của MBB. Trước đó, Nghị quyết ĐHCĐ Maritime Bank hồi tháng 4 cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTC) có giá trị trên 20% vốn điều lệ của Maritime Bank (tương đương 1.600 tỷ đồng).

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2012 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), Chủ tịch HĐQT EIB, ông Lê Hùng Dũng, cho biết, Ngân hàng đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) hơn 1.600 tỷ đồng. Hiện EIB đang được ủy quyền của các cổ đông chiếm tỷ lệ khoảng 53% vốn cổ phần của Sacombank.

Sau sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phạt 3 cổ đông lớn của STB “mua chui” (không công bố) 1,8 triệu cổ phiếu STB, thị trường nhìn thấy sự xuất hiện của những ông chủ mới tại STB, có gốc gác trong ngành ngân hàng, liên quan tới Eximbank, Southern Bank và Kiên Long Bank.

Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo ảnh 2

 

Ai là chủ thực sự?

Đang có sự chồng chéo trong sở hữu giữa các ngân hàng. Những quan hệ ràng buộc phức tạp chưa được nhận diện, do các ngân hàng có những công ty con, công ty liên kết và những công ty này cũng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.

Đơn cử, tính đến ngày 17/5/2012, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu 3,74% vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trong khi đó, tính đến 31/12/2011, SHB sở hữu 8,22% vốn tại SHS.

Bên cạnh đó, mối quan hệ của những ông chủ đứng đằng sau ngân hàng vẫn là một câu hỏi lớn khi việc sở hữu lòng vòng qua chuỗi công ty mẹ con, công ty liên kết, các quỹ đầu tư tài chính và những người có liên quan ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo thường niên 2011, Eximbank có những khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế như CTCK Rồng Việt (10,86%), Eximland (10,99%), Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng (9,45%), Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Long (10%) và Sài Gòn Exim (11%). Các công ty này lại có sở hữu lẫn nhau, như Bảo hiểm Nhà Rồng, CTCK Rồng Việt và Sài Gòn Á Châu là cổ đông của Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Long. Rồi Sài Gòn Á Châu lại sở hữu 10,51% vốn của Rồng Việt, sở hữu 10,86% vốn của Eximbank và 2,06% vốn của Việt Long.

Nếu không có việc tính toán nhầm tỷ lệ sở hữu, dẫn đến bị UBCK phạt, thị trường có lẽ sẽ không thể biết đến việc Sài Gòn Á Châu sở hữu tới 5,01% và Sài Gòn Exim sở hữu tới 5,17% vốn của STB.

Có thể thấy, tại một số ngân hàng, ai là chủ ngân hàng vẫn còn là một điều bí ẩn. Mặc dù các quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi sở hữu cổ phần chi phối tại TCTD, bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, nhưng đây là việc rất khó phát hiện. Báo cáo thường niên của các ngân hàng cũng “lập lờ” trong việc xác định rõ nhóm cổ đông lớn và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn của ngân hàng. Nên chăng, cần có quy định rõ ràng hơn trong việc yêu cầu “kê khai sở hữu” đối với những tổ chức, cá nhân đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng?