Các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để tiếp ứng kịp thời khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, cầu tín dụng tăng lên. Ảnh: Dũng Minh

Các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để tiếp ứng kịp thời khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, cầu tín dụng tăng lên. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh sau dịch

Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị sẵn kịch bản kinh doanh hậu dịch, vừa tiếp sức doanh nghiệp, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình.

Sẵn sàng kịch bản kinh doanh hậu covid-19

Các hoạt động kinh tế bắt đầu quay lại nhịp sống bình thường, một số địa phương đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Tại các ngân hàng, những kịch bản “hậu dịch” cũng đã sẵn sàng.

“Các ngân hàng, trong đó có VPBank, đang chuẩn bị các chương trình hậu Covid-19. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kinh doanh, chúng ta phải có tăng trưởng trở lại”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay.

Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất thấp, tăng trưởng âm 0,52% trong nửa đầu tháng 4. Tuy nhiên, khi biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng, nền kinh tế vận hành trở lại, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại. Lãnh đạo nhiều địa phương đang chỉ đạo ngành ngân hàng trên địa bàn tích cực tiếp vốn cho doanh nghiệp.

Đơn cử, trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm 2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao các ngân hàng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng…, để khách hàng nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Các tổ chức tín dụng cần nắm bắt sát sao tình hình của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, đồng thời tính đến phương án phục hồi kinh tế sau dịch. Hậu dịch chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí là nhiều thay đổi lớn, căn bản, có những cái không thể quay lại như cũ. Điều kiện sản xuất - kinh doanh thay đổi, môi trường hoạt động thay đổi… buộc các tổ chức tín dụng cũng phải thích ứng, vì cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của doanh nghiệp đã thay đổi

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cho hay, Ngân hàng đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, đưa nguồn vốn vay đến với người dân, doanh nghiệp. “Với khách hàng có đủ điều kiện, phương án kinh doanh tốt, Ngân hàng sẽ nỗ lực hết mình để cho vay”, ông Thọ khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, hiện các ngân hàng không thiếu tiền, song nhu cầu tín dụng rất yếu, vì cả đầu vào lẫn đầu ra của doanh nghiệp đều gặp khó. Tuy nhiên, hết dịch, khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại, ngân hàng sẽ đáp ứng tối đa trên cơ sở những doanh nghiệp có khả năng phục hồi.

“Với những doanh nghiệp quá yếu, có bơm tiền cũng không thể phục hồi, ngân hàng sẽ phải thận trọng, nếu không sau dịch, nợ xấu sẽ vọt tăng, cả nền kinh tế gặp hệ lụy”, ông Hùng nói.

Chú trọng bơm vốn cho lĩnh vực thiết yếu

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, họ rất muốn cho vay bởi nếu không, ngân hàng không có lợi nhuận, trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Tuy nhiên, cầu tín dụng đang rất yếu do doanh nghiệp tạm ngủ đông. Dù vậy, để đón đầu nhu cầu tín dụng phục hồi, các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để tiếp ứng kịp thời khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, cầu tín dụng tăng lên.

Ông Lê Đức Thọ cho hay, với các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, hàng tiểu dùng…, VietinBank đang đẩy mạnh cho vay, giảm lãi suất tối đa để hỗ trợ. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho biết, đã chuẩn bị các gói tín dụng lớn với lãi suất thấp cho các ngành hàng để sẵn sàng cho vay, tùy vào mức độ hồi phục của các ngành hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, những doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh không thể kéo dài thời kỳ ngủ đông, bởi sức chống chịu kém. Do đó, đời sống kinh tế sau dịch phải dần vận hành trở lại. Tốc độ mở cửa nền kinh tế sau dịch phải theo lộ trình, mở cửa từng bước một theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, ưu tiên mở cửa trước mắt các ngành hàng thiết yếu, tiếp đó là du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp… Các ngân hàng cũng phải bám sát các phân khúc ngành hàng mở cửa để cung ứng vốn kịp thời.

Tuy vậy, hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch không phải chỉ trông cậy vào vốn ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ phải vận hành nhịp nhàng. Để kích hoạt nền kinh tế phục hồi trở lại, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để tạo vốn mồi. Ngoài ra, các gói hỗ trợ thuế, an sinh… phải nhanh chóng đi vào cuộc sống. Khi nền kinh tế vận động trở lại, nhu cầu tín dụng phục hồi, ngân hàng sẽ vào cuộc tiếp sức.

Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đã chỉ đạo các cục, vụ thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai của các tổ chức tín dụng để có chỉ đạo kịp thời. “Bất luận trong tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi sau dịch, với mức lãi suất cho vay thấp hơn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định.

Tin bài liên quan